Cụ thể, thâm hụt ngân sách Mỹ trong 11 tháng, tính đến hết tháng 8 vừa qua, đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, cao hơn 19% so với cùng kỳ của năm tài khóa trước đó.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chi tiêu công tăng hơn 2 lần so với nguồn thu cho ngân sách trong tài khóa sẽ kết thúc vào ngày 30/9 này. Tổng thu ngân sách tăng 3% so với tài khóa trước đó, đạt hơn 3.000 tỷ USD, tuy nhiên mức chi tiêu công tăng tới 7%, ở mức 4.150 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận mức thuế đóng cho ngân sách chính phủ tăng so với năm ngoái, cụ thể, thuế hải quan tăng 73%, lên mức 66 tỷ USD. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn cho là chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dù thuế là do các công ty Mỹ chi trả.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách trong năm nay của nước này sẽ ở mức 960 tỷ USD, so với mức 779 tỷ USD của năm 2018. CBO dự báo thâm hụt ngân sách hằng năm sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2020 và sẽ không thể giảm xuống dưới mốc này trong thập kỷ tới.
Trước đó, Chính phủ Mỹ từng ghi nhận mức thâm hụt ngân sách trên 1.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2009-2012 khi chi tiêu gia tăng để đối phó với suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hơn 12 tháng
Trong khi đó, một báo cáo của chính phủ cho hay lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua, do sự tác động của dịch vụ y tế tại nước này.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dựa trên chi phí hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ, đã tăng 1,7% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn 0,1% so với tháng 7/2018. Những nếu không tính biến động về thực phẩm và giá năng lượng, CPI "lõi" tăng 2,4%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2018.
Theo Chính phủ Mỹ, CPI tăng là nhờ giá nhà ở, phí dịch vụ hàng không, giá ô tô cũ và chi phí cho hoạt động giải trí đều tăng. Nếu so với tháng 7 vừa qua, CPI hằng tháng tăng 0,1%, phù hợp sự kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, CPI "lõi" trong tháng 8 đã tăng 0,3% , cao hơn dự đoán của nhiều chuyên gia và đánh dấu tháng thứ 3 chỉ số này tiếp tục đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Diane Swonk của tổ chức Grant Thornton cho rằng xu hướng tăng của CPI "lõi" có thể gây chia rẽ nội bộ ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về chính sách lãi suất trong thời gian tới.
Bà cho rằng Chủ tịch FED sẽ phải tốn công để thuyết phục ban lãnh đạo thực hiện đợt cắt giảm mới trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự yếu kém của kinh tế lớn nhất thế giới dưới tác động của tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Đây là lý do mà người đứng đầu FED đưa ra trong đợt cắt giảm lần đầu tiên hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Cân nhắc trái phiếu chính phủ siêu kỳ hạn
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo nước này sẽ phát hành trái phiếu kỳ hạn 50 năm nếu có mức “nhu cầu thích hợp”, động thái nhằm làm giảm nguy cơ từ khối nợ công lên tới 22.000 tỷ USD của Mỹ và tận dụng mức lãi suất thấp.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông cho biết sẽ bắt đầu với trái phiếu kỳ hạn 50 năm và nếu thành công, Mỹ sẽ cân nhắc phát hành trái phiếu kỳ hạn 100 năm.
Bộ trưởng Mnuchin cũng thông báo ông đã bắt đầu xem xét khả năng phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn siêu dài từ 2 năm trước. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài nhất của Mỹ hiện là 30 năm.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại đề xuất một phương án khác để đối phó với chi phí ngày càng gia tăng từ khối nợ cao kỷ lục của Mỹ. Mới đây, ông đã kêu gọi FED hạ lãi suất xuống dưới 0% nhằm giảm các khoản trả lãi. FED được dự đoán sẽ hạ lãi suất 0,25% trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.
Khi được hỏi về lãi suất âm, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông không ủng hộ chính sách này, cho rằng lãi suất âm không tốt cho ngành ngân hàng và nền kinh tế rất khó có thể tăng trưởng nếu không có một ngành ngân hàng khỏe mạnh.