Lần đầu tiên cấy ghép thành công khí quản nhân tạo

Các chuyên gia phẫu thuật Thụy Điển vừa tiến hành thành công ca cấy ghép khí quản nhân tạo cho người. Đây là lần đầu tiên trên thế giới ngành y học ứng dụng thành công vật liệu hoàn toàn nhân tạo để sản xuất một bộ phận trong cơ thể người, thay cho phương pháp cấy ghép tạng truyền thống. Bệnh nhân may mắn được cứu sống nhờ công nghệ cao này là một người đàn ông 36 tuổi, bị ung thư khí quản nhiều năm và đã được phẫu thuật cách đây 1 tháng.

Hình ảnh phổi của bệnh nhân được cấy ghép khí quản nuôi từ tế bào gốc. (Ảnh: Internet)


Ống khí quản nhân tạo này được sản xuất từ một loại nano composite đặc biệt (chất dẻo giống như nhựa) tại một phòng nghiên cứu ở Luân Đôn (Anh). Sau đó, chiếc ống được chuyển đến Thụy Điển để phủ tế bào tủy não của bệnh nhân được phẫu thuật lên. Sau vài ngày được bảo quản trong các điều kiện kỹ thuật y tế đặc biệt, khí quản nhân tạo được cấy ghép lên cơ thể bệnh nhân.

Điểm khó nhất của công nghệ này là phải sao chép và dựng lại mô hình khí quản thật của bệnh nhân với độ chính xác tuyệt đối. Các chuyên gia của phòng thí nghiệm Luân Đôn đã sử dụng máy chụp 3D siêu chính xác để chụp và xử lý hình ảnh trước khi cho "đúc khuôn" sản phẩm công nghệ cao này.
Với thành công trên, ngành phẫu thuật ghép tạng thế giới đã mở ra những cơ hội mới cho các bệnh nhân do không phải tìm kiếm người hiến tạng, đồng thời tránh được hoàn toàn phản ứng "kháng miễn dịch" của cơ thể người bệnh đối với cơ quan được cấy ghép. Trẻ em là đối tượng sẽ được hưởng nhiều lợi ích nhất từ phương pháp mới này do việc tìm kiếm người hiến tạng cho trẻ em khó hơn rất nhiều so với người lớn.

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN