Lạm phát tại Lào tiếp tục tăng

Cục Thống kê Lào cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này đã tăng từ 30,01% trong tháng 8, lên 34% vào tháng 9/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận trong 22 năm qua tại Lào.

Chú thích ảnh
Rau củ được bán tại một khu chợ ở Sam Neua, tỉnh Houaphane, Lào. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo Cục Thống kê Lào, lạm phát gia tăng là do sự tăng vọt của các loại hàng hóa như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các mặt hàng tiêu dùng khác.

Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột giữa các cường quốc và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến Lào.

Lạm phát đã tăng đáng kể kể từ năm ngoái và Lào hiện là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á.

Theo Cục Thống kê Lào, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng là do năng suất thấp và việc Lào phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Một nguyên nhân khác thúc đẩy lạm phát là do đồng kip yếu và nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ ngày càng tăng. Đồng kip tiếp tục mất giá bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, đồng kip giảm 37,4% so với USD và 32,9% so với đồng baht của Thái Lan trên thị trường tiền tệ chính thức.

ADB cho biết khoảng cách giữa thị trường ngoại hối chính thức và song song là 38,6% vào giữa tháng 6, nhưng đã thu hẹp xuống mức trung bình 15,9% vào tháng 8/2022.

Bên cạnh đó, việc lũ lụt trong thời gian qua phá hủy mùa màng và các tài sản khác, đã làm tăng nhu cầu về thực phẩm tại các chợ địa phương.

Trong tháng 9, chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân dẫn tới việc các sản phẩm này tăng giá này là do giá gạo cao, tăng tới 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thịt lợn tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giá gia cầm tăng 32,1%, cá và hải sản tăng 28,9%, trứng, pho mát và sữa tăng 35,9%.

Trong khi đó, chi phí trong lĩnh vực liên lạc và vận tải tăng 2,9% theo tháng và 55,9% theo năm. Cụ thể, giá phương tiện, nhiên liệu và thiết bị vận tải lần lượt tăng 56%, 100,6% và 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí chăm sóc y tế và thuốc men tăng 4,9% theo tháng và 44,5% theo năm. Chi phí thuốc men và dịch vụ bệnh viện tăng lần lượt 50% và 13,7%.

Giá cả trong nhóm hàng gia dụng tăng 3,6% so với tháng 9/2022 và 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đồ trang trí nội thất, nệm và ga trải giường lần lượt tăng 21,6% và 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trong nhóm hàng giáo dục tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhóm khách sạn và nhà hàng (24,8%), hàng hóa và dịch vụ (25,9%), quần áo và giày dép (22,2%), và nhà ở, cấp nước, điện và khí đốt (22,9 %).

Phạm Kiên - Bá Thành (P/v TTXVN tại Viêng Chăn)
Quan chức FED để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát
Quan chức FED để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Mỹ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế giá cả tăng cao. Đây là khẳng định của bà Lisa Cook và ông Christopher Waller, 2 trong số các thành viên của Ban Thống đốc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), đưa ra ngày 6/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN