Tờ báo dẫn nguồn của Cục Thống kê Lào cho biết giá nhiên liệu, khí đốt và các mặt hàng nhập khẩu khác tăng vọt cùng việc đồng kip giảm giá là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh vượt cả mức trần 12% do Chính phủ đặt ra.
Theo Cục Thống kê Lào, mức tăng giá tiêu dùng cao nhất trong tháng 6/2022 được ghi nhận trong lĩnh vực truyền thông và vận tải, lên tới 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là nhóm hàng gia dụng tăng 22,3%, nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng 29,7%, khách sạn và nhà hàng tăng 20,7%, và nhóm nhà ở, nước, điện và khí đốt tăng 20%. Ngoài ra, giá thực phẩm, gia vị, đồ uống không cồn, quần áo, giày dép, thuốc men, thiết bị xây dựng, xe cộ, phụ tùng và các mặt hàng nhập khẩu khác đều tăng mạnh.
Theo Vientiane Times, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến thị trường nhiên liệu toàn cầu biến động trong bối cảnh đang có những lo ngại về một cú sốc kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra.
Tại Lào, bất chấp các nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định tỷ giá hối đoái, đồng kip vẫn tiếp tục giảm giá. Nhiều chủ doanh nghiệp lo ngại rằng tỷ giá hối đoái biến động sẽ khiến họ kinh doanh thua lỗ.
Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục có xu hướng tăng. Trong tháng 6/2022, Lào đã 3 lần tăng giá xăng dầu do giá dầu trên thị trường thế giới tăng, tác động đến lĩnh vực giao thông vận tải và làm tăng chi phí sản xuất và giá sản phẩm tại các thị trường địa phương.
Theo Vientiane Times, Lào là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á. Trong tháng 6/2022, giá nhiên liệu, khí đốt và vàng lần lượt tăng 107,1%, 69,4% và 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 3/2022, tỷ lệ lạm phát theo năm của Lào được ghi nhận là 8,54%, đến tháng Tư, con số này là 9,86%, tháng Năm là 12,8% và tháng Sáu, con số này đã vọt lên 23,6%.
Năm 2000, lạm phát trung bình tại Lào là 26,95%, với tỷ lệ cao nhất được ghi nhận vào tháng Một là 75,75%, sau đó giảm xuống 58,74% tháng Hai, 45,39% vào tháng Ba, 34,87% vào tháng Tư và 31% vào tháng Năm.