Kỳ tích công nghệ giữa lòng Trung Đông - Bài 1: Hạt giống khởi nghiệp      

Dù nằm giữa một khu vực đầy bất ổn, diện tích nhỏ, dân số khiêm tốn và gần như không có tài nguyên thiên nhiên, Israel vẫn nổi lên như một trong những cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.

Chú thích ảnh
Khu trung tâm Tel Aviv.

Từ những triết lý khởi nghiệp là để sinh tồn, nền giáo dục khuyến khích phản biện đến chiến lược quốc gia đầu tư mạnh vào khoa học - công nghệ, Israel đã kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp độc đáo, trở thành hình mẫu toàn cầu về đổi mới sáng tạo.

Chùm 2 bài viết “Kỳ tích công nghệ giữa lòng Trung Đông” sẽ lý giải hành trình đưa Israel từ một quốc gia khởi đầu trong gian khó trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu, vượt qua thách thức địa chính trị để hướng tới mục tiêu không chỉ “khởi nghiệp vì tăng trưởng” mà còn “đổi mới vì tương lai”.

Bài 1: Hạt giống khởi nghiệp

Trong khi nhiều quốc gia đang loay hoay tìm công thức để khơi dậy làn sóng khởi nghiệp, Israel - một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Trung Đông đầy biến động - từ nhiều năm qua lại nổi lên như một biểu tượng toàn cầu của sự đổi mới và công nghệ. Với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, diện tích phần lớn là sa mạc và không có tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Israel vẫn trở thành “quốc gia khởi nghiệp” hàng đầu thế giới. Tại sao?

Câu trả lời không chỉ nằm ở các chính sách kinh tế hay đầu tư mạo hiểm. Sâu xa hơn, Israel là một quốc gia mà văn hóa sinh tồn, giáo dục phản biện, nghĩa vụ quân sự và tinh thần chấp nhận rủi ro đã hòa quyện thành một ADN đổi mới độc đáo – tạo nên bản sắc không thể sao chép.

Đối với người Israel, khởi nghiệp là để sinh tồn. Từ năm 1882 đến trước 1948, hàng trăm nghìn người Do Thái đến định cư tại vùng đất khô cằn này, biến hoang mạc thành nông trại, nhà máy, trường học. Những người nhập cư – chủ yếu từ Đông Âu – đã truyền lại tinh thần cần cù, tranh luận không sợ hãi và ý chí vượt nghịch cảnh. Những giá trị ấy đã thấm sâu vào xã hội Israel từ trước khi quốc gia chính thức thành lập.

Sau năm 1948, làn sóng di cư tiếp tục dâng cao. Hàng triệu người Do Thái từ châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, các nước Arập, Bắc Phi, và sau này là Liên Xô trước đây, đã đổ về một vùng đất nghèo khó, thường xuyên bị chiến tranh đe dọa. Không chờ đợi nhà nước, họ tự tổ chức, xây dựng cộng đồng, kiến tạo các cấu trúc xã hội như kibbutz (hợp tác xã nông nghiệp) và khu công nghiệp ban sơ.

Trong môi trường ấy, người Israel hình thành văn hóa “khởi nghiệp để sinh tồn” - nơi sáng tạo là điều kiện sống còn. Không có tài nguyên thiên nhiên, không có thị trường nội địa lớn, Israel học cách nhìn ra thế giới từ rất sớm và biến khó khăn thành cơ hội. Đặc biệt, làn sóng di cư trí thức từ Liên Xô trong thập niên 1990 đã bổ sung nền tảng khoa học kỹ thuật vững chắc, góp phần phát triển công nghệ cao.

Sự đa dạng sắc tộc, văn hóa và trải nghiệm sống - đến từ hơn 100 quốc gia - cũng nuôi dưỡng tinh thần phản biện và sáng tạo. Israel không có "sự đồng thuận yên lặng", mà là xã hội tranh luận sôi nổi để tìm giải pháp. Nhờ đó, dù nhỏ bé về lãnh thổ, Israel vẫn trở thành một trong những trung tâm sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

Khác với nhiều quốc gia châu Á đề cao ghi nhớ, hệ thống giáo dục Israel khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, phản biện, tranh luận. Việc chất vấn giáo viên, nêu quan điểm trái chiều là điều bình thường. Văn hóa ấy tạo ra thế hệ trẻ dám nghĩ khác, dám làm mới và không sợ thất bại.

Triết lý “không sợ sai” và khuyến khích tranh luận là nền tảng của tinh thần khởi nghiệp. Từ lớp phổ thông đến đại học, học sinh được rèn kỹ năng phản biện, hợp tác theo nhóm, tiếp cận vấn đề thực tiễn thay vì chỉ học thuộc lý thuyết. Môi trường học tập cởi mở góp phần hình thành tư duy độc lập và đổi mới liên tục.

Các trường đại học không chỉ làm khoa học vì học thuật, mà hướng đến ứng dụng và thương mại hóa nghiên cứu. Tại Technion, sinh viên kỹ thuật được khuyến khích tạo sản phẩm thực tế ngay từ trên giảng đường. Đại học Hebrew và Weizmann Institute hợp tác với doanh nghiệp, tạo điều kiện để nhà khoa học tiếp cận thị trường và nhà đầu tư.

Hầu hết các trường đều có trung tâm chuyển giao công nghệ riêng - như Yissum (Đại học Hebrew) hay Technion Technology Transfer - làm cầu nối giữa nghiên cứu và khởi nghiệp. Nhờ đó, nhiều ý tưởng không bị bỏ lại trong phòng thí nghiệm mà trở thành sản phẩm, gọi vốn và phát triển ra thị trường quốc tế.uân đội – nơi ươm mầm cho các doanh nhân công nghệ

Một môi trường khác "ươm mầm" hạt giống khởi nghiệp chính là quân ngũ. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ra đời không chỉ để bảo vệ, mà còn là nơi rèn luyện giới trẻ với kỷ luật, tư duy phản biện và kỹ năng lãnh đạo.

Nghĩa vụ quân sự không chỉ là trách nhiệm công dân, mà là môi trường giáo dục và đổi mới. Nhiều thanh niên được tiếp cận công nghệ cao, giải quyết các bài toán phức tạp về an ninh mạng, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), tín hiệu số... Đây là nơi học hỏi, thử nghiệm và áp dụng công nghệ trong thực tiễn.

Đơn vị 8200 - được ví như “MIT của Israel” - nổi tiếng không chỉ trong bảo vệ an ninh, mà còn đào tạo nhân tài. Họ học cách tư duy chiến lược, làm việc nhóm trong môi trường áp lực cao – kỹ năng quý giá cho hành trình khởi nghiệp. Nhiều startup như Check Point, Waze, Wiz, Armis hay Cybereason ra đời từ những cựu binh đơn vị này.

Sự chuyển giao kinh nghiệm từ quân đội sang khu vực dân sự là đặc điểm độc đáo trong mô hình tăng trưởng của Israel. Ở đây, quân đội không chỉ bảo vệ đất nước mà còn là bệ phóng cho thế hệ doanh nhân công nghệ tiếp theo.

Bài cuối: Tầm nhìn đổi mới toàn diện  

Thanh Bình (Phóng viên TTXVN tại Israel)
Kỳ tích công nghệ giữa lòng Trung Đông - Bài cuối: Tầm nhìn đổi mới toàn diện
Kỳ tích công nghệ giữa lòng Trung Đông - Bài cuối: Tầm nhìn đổi mới toàn diện

Từ thập niên 1970 đến đầu những năm 1990, Israel từng rơi vào tình trạng lạm phát cao và trì trệ kinh tế nghiêm trọng. Nhưng chính trong khủng hoảng, Israel lại chọn hướng đi khác: đầu tư vào tri thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN