Kỷ nguyên vàng của tàu điện ngầm

Theo Hiệp hội Giao thông Công cộng Quốc tế (UITP), chỉ trong vòng 10 năm qua, thế giới đã xây dựng thêm gần bằng tổng số km đường ray trong suốt 150 năm trước đó, nâng tổng chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm (metro) toàn cầu lên 20.453 km vào năm 2023. Kỷ nguyên của tàu điện ngầm mới chỉ thực sự bắt đầu.

Chú thích ảnh
Tàu đỗ tại Nhà ga Euston ở London, Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuyến đường sắt Metropolitan - nay là một phần của hệ thống tàu điện ngầm London (Anh) - là hệ thống đầu tiên đưa tàu chạy thường xuyên trên đường ray riêng biệt, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn mà các thành phố hiện đại thường xuyên đối mặt. Trong nhiều năm sau đó, hệ thống tàu điện ngầm lần lượt xuất hiện tại Paris, New York, Tokyo, Moskva, Hong Kong (Trung Quốc), Cairo và nhiều nơi khác. Tính đến năm 2013, đã có hơn 130 thành phố trên thế giới sở hữu hệ thống metro với tổng chiều dài đạt 10.922 km - đủ để nối từ Xích đạo đến Bắc Cực.

Từ chỗ chỉ chiếm 19% tổng chiều dài mạng lưới metro toàn cầu năm 2012, Trung Quốc đã vươn lên nắm giữ 43% tổng chiều dài mạng lưới metro toàn cầu vào năm 2023. Sự bùng nổ lan rộng đến cả những vùng xa xôi. Sau chỉ bảy năm hoạt động, hệ thống metro tại thành phố miền núi Quý Dương, tỉnh Quý Châu - vốn được coi là vùng hẻo lánh - đã chở nhiều hành khách hơn cả tuyến L của Chicago, vốn vận hành từ năm 1893. Trung Quốc đại lục hiện có 28 hệ thống metro bận rộn hơn Quý Dương, trong đó có bốn hệ thống metro lớn nhất thế giới ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Trung Quốc. Trong cùng khoảng thời gian, nhiều hệ thống metro phục vụ trên 100 triệu lượt khách mỗi năm đã xuất hiện tại Dhaka của Bangladesh, Salvador của Brazil, Chennai, Hyderabad, Mumbai  của Ấn Độ, và Lima của Peru. Tại Riyadh của Saudi Arabia, hệ thống metro vừa khai trương tháng 12 năm ngoái dự kiến cũng sẽ đạt mốc này trong năm đầu tiên. Nhiều mạng lưới nhỏ hơn cũng đã được đưa vào hoạt động từ năm 2013 tại Doha, Thành phố Hồ Chí Minh, Isfahan, Jakarta, Lagos, Lahore, Panama, Quito và nhiều nơi khác.

Dù không phải dự án nào cũng thành công. Tại Addis Ababa của Ethiopia và Abuja của Nigeria, các hệ thống giao thông do Trung Quốc xây dựng lần lượt đi vào hoạt động năm 2015 và 2018 đã gặp khó khăn vì quy hoạch yếu kém, lịch trình thưa thớt và thiếu linh kiện thay thế trong nước. Ở Karachi, Pakistan - thành phố lớn nhất thế giới chưa có metro - tuyến đường sắt vành đai đã bị đóng cửa từ năm 1999 do quản lý yếu kém, nạn trốn vé và tham nhũng. Kế hoạch tái khởi động với vốn vay Trung Quốc vẫn đang bị đình trệ.

Tuy nhiên, đó chỉ là những ngoại lệ. Một khi đã đi vào hoạt động, hầu hết hệ thống metro đều thu hút sự gắn bó của hành khách và được các nhà quy hoạch đô thị ủng hộ, đảm bảo nguồn vốn để vận hành kể cả trong giai đoạn khó khăn.

Thập kỷ vừa qua chứng kiến cú sốc lớn nhất với giao thông công cộng đô thị: đại dịch COVID-19. Sự sụp đổ của hình thức làm việc tại văn phòng, cùng xu hướng làm việc tại nhà sau đó, đã khiến doanh thu của các hệ thống metro sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại một vòng xoáy đi xuống: vé bán ít hơn dẫn đến cắt giảm dịch vụ, và rồi lại càng ít người sử dụng hơn. Dù đại dịch vẫn để lại ảnh hưởng lâu dài, tình hình đang cải thiện nhanh chóng. Theo UITP, có tới 58 tỷ lượt đi lại bằng metro trong năm 2023, lần đầu tiên vượt mốc 57,9 tỷ lượt của năm 2019. Điều này giúp các hệ thống dần phục hồi ngân sách. Trong giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh, Thị trưởng London Sadiq Khan từng cảnh báo rằng một tuyến của hệ thống tàu điện ngầm có thể phải đóng cửa để cân đối tài chính. Nhưng đến năm 2024, cơ quan giao thông London lần đầu tiên báo lãi kể từ khi được thành lập cách đây 25 năm.

Việc hàng tỷ hành khách chuyển từ xe cá nhân sang tàu điện ngầm đang giúp giảm hàng trăm triệu tấn khí thải carbon. Mức phát thải của tàu điện ngầm chỉ tương đương với xe buýt nhỏ - loại hình giao thông phổ biến ở các siêu đô thị đang phát triển. Nhưng lợi ích lớn nhất không nằm ở đó mà là việc hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh kẹt xe triền miên.

Minh Trang/TTXVN (Theo Bloomberg)
Sập công trình tàu điện ngầm đang xây dựng tại Hàn Quốc
Sập công trình tàu điện ngầm đang xây dựng tại Hàn Quốc

Chiều 11/4, ít nhất 2 công nhân đã mất liên lạc trong vụ sập xảy ra tại công trường xây dựng tuyến tàu điện ngầm Sinansan ở Gwangmyeong, tỉnh Gyeonggi, phía Nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN