Những người leo núi thông thường phải mất vài ngày để leo lên đỉnh Everest và rất hiếm khi họ thực hiện chuyến leo núi trong thời gian ngắn. Quan chức du lịch Nepal, ông Khim Lal Gautam cho biết ông Kami Rita Sherpa đã lên đỉnh Everest cao 8.849 m theo đường sườn núi phía Đông Nam.
Trên trang mạng xã hội X, Trưởng Văn phòng Giám sát và Hỗ trợ đoàn thám hiểm tại trại căn cứ Gautam xác nhận ông Kami Rita Sherpa “đã phá kỷ lục của chính mình… đánh dấu lần thứ 30 leo lên nóc nhà thế giới”.
Được gọi là "người đàn ông Everest", ông Kami Rita sinh năm 1970 tại Thame, một ngôi làng ở Himalaya nổi tiếng là nơi sản sinh ra những nhà leo núi xuất sắc. Các hướng dẫn viên leo núi Nepal, thường là người sắc tộc Sherpa, được xem là yếu tố then chốt đóng góp cho lĩnh vực leo núi của nước này. Sherpa là một dân tộc thiểu số sống tại vùng phía Nam Nepal. Họ có nguồn gốc từ Tây Tạng hàng trăm năm trước, chủ yếu sống tập trung quanh khu vực Everest. Do đó, họ có khả năng làm việc trên núi cao, trong điều kiện oxy loãng - môi trường đòi hỏi người nước ngoài mất nhiều ngày hoặc hàng tuần để thích nghi.
Chính quyền Nepal cho biết đã cấp 414 giấy phép leo lên đỉnh Everest trong mùa leo núi mùa Xuân năm nay, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6. Hầu hết những người hy vọng chinh phục Everest đều được hướng dẫn viên người Nepal đồng hành.
Nepal, quốc gia sở hữu 8 trong số 10 đỉnh núi cao nhất thế giới, từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của những người yêu thích leo núi mạo hiểm. Mùa Xuân là mùa lý tưởng cho các hoạt động chinh phục đỉnh cao bởi thời tiết ấm áp và gió lặng. Tuy nhiên, việc gia tăng số lượng người leo núi trong những năm gần đây đã dẫn đến nhiều lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường và an toàn cho các nhà thám hiểm. Mới đây nhất, Tòa án Tối cao Nepal đã ra lệnh hạn chế số lượng giấy phép leo lên đỉnh Everest và các đỉnh núi khác.