Theo KUNA, trong đợt bầu cử Quốc hội này, có gần 800.000 cử tri đủ tư cách bỏ phiếu và có 22 ứng cử viên trong tổng số 305 ứng cử viên là nữ.
Bộ Nội vụ Kuwait đã lựa chọn 123 trường học làm điểm bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên Kuwait áp dụng hình thức mỗi cử tri chỉ có thể đến điểm bỏ phiếu tại khu vực bầu cử của riêng họ.
Sự ổn định chính trị ở Kuwait, một nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), theo truyền thống dựa vào hợp tác giữa Chính phủ và Quốc hội. Tuy nhiên, chính trường quốc gia giàu dầu mỏ này bị lung lay do các mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ giữa các nhà lập pháp và Chính phủ, dẫn đến Quốc hội nhiều lần bị giải tán và chính phủ nhiều lần phải cải tổ nội các. Kuwait đã giải tán Quốc hội vào ngày 2/8 theo Sắc lệnh Hoàng gia. Lần giải tán trước đó vào năm 2016.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần này được coi là sự thay đổi cơ bản trong việc hình thành cơ quan lập pháp, với sự xuất hiện của một Thủ tướng mới được đặt kỳ vọng có thể cải thiện sự hợp tác giữa Chính phủ và Quốc hội trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là cải cách kinh tế và chống tham nhũng.