Tàu chở người di cư tới đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 21/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Guardian, thành công này không chỉ đến từ du lịch bùng nổ hay các khoản đầu tư công mà còn nhờ vào cách tiếp cận khác biệt đối với vấn đề di cư, khi chính phủ nước này lựa chọn chính sách cởi mở thay vì siết chặt biên giới như nhiều quốc gia Tây Âu khác.
Trái ngược với Đức, Pháp hay Ý, Tây Ban Nha xác định di cư không chỉ là một vấn đề nhân đạo mà còn là giải pháp thực tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì hệ thống phúc lợi xã hội. Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10/2024, Thủ tướng Pedro Sánchez nhấn mạnh rằng đất nước cần lựa chọn giữa một quốc gia cởi mở, thịnh vượng hay một quốc gia khép kín, nghèo đói.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy chính sách này đang mang lại kết quả tích cực. Tây Ban Nha đạt mức tăng trưởng GDP 3,2% trong năm 2024, trong khi Đức suy giảm 0,2%, Pháp tăng 1,1%, Ý tăng 0,5% và Anh tăng 0,9%. Theo giáo sư Javier Díaz-Giménez từ Trường Kinh doanh IESE, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng này chính là sự dịch chuyển mạnh mẽ của con người, điều này đến từ lượng khách du lịch và người nhập cư.
Trong năm 2024, Tây Ban Nha đã đón kỷ lục 94 triệu du khách, tăng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, không chỉ ngành du lịch hưởng lợi mà thị trường lao động cũng được củng cố nhờ vào dòng người nhập cư. Khi dân số trong độ tuổi lao động đang già đi, sự tham gia của lao động nhập cư đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Trong số 468.000 việc làm mới được tạo ra, có tới 409.000 vị trí do người nhập cư hay những người có quốc tịch kép đảm nhận. Phần lớn trong số này đến từ Mỹ Latinh và các nhóm từ châu Âu và châu Phi.
Các nhà kinh tế của JPMorgan chỉ ra rằng Tây Ban Nha đã ghi nhận mức di cư cao nhất trong 10 năm qua, với gần 750.000 người mới đến vào năm 2022. Ngân hàng Tây Ban Nha cũng ước tính rằng nhập cư đóng góp hơn 20% vào mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người gần 3% của GDP giai đoạn 2022-2024. Không chỉ bổ sung lực lượng lao động, người nhập cư còn đóng góp lớn vào ngân sách thông qua thuế thu nhập và bảo hiểm xã hội, cao hơn mức họ nhận được từ các chương trình phúc lợi.
Ngoài yếu tố nhập cư, Tây Ban Nha còn hưởng lợi từ nhiều điều kiện thuận lợi khác. Nguồn năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời giúp duy trì giá điện ở mức hợp lý, trong khi các khoản hỗ trợ từ quỹ phục hồi hậu Covid của EU đã tạo cú hích mạnh cho nền kinh tế. Chính phủ cũng mạnh tay chi tiêu công, bao gồm tăng lương hưu và mở rộng tuyển dụng trong khu vực công.
Trong khi nhiều nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già, Tây Ban Nha đã tận dụng lợi thế từ chính sách di cư để duy trì động lực tăng trưởng. Tại Đức, một số chính trị gia kêu gọi hồi hương người Syria, tuy nhiên Viện Kinh tế Đức lại nhấn mạnh rằng khoảng 80.000 lao động Syria đang làm việc trong các ngành công nghiệp thiết yếu như sản xuất ô tô, y tế và giáo dục. Hơn 5.000 bác sĩ Syria cũng đang hành nghề tại Đức và việc trục xuất họ có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong hệ thống y tế Đức.
Dù đạt được những kết quả tích cực, chính sách di cư của Tây Ban Nha vẫn đặt ra nhiều thách thức. Ông Rafael Doménech - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng BBVA, cảnh báo rằng nếu không được quản lý tốt, làn sóng nhập cư có thể gây ra bất ổn xã hội. Chính phủ Tây Ban Nha đã cam kết đầu tư vào các chương trình hội nhập, từ việc hỗ trợ người nhập cư học ngôn ngữ, công nhận bằng cấp cho đến mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường lao động. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nhà ở vẫn là một vấn đề lớn có thể trở thành điểm nóng trong tương lai.
Dù Tây Ban Nha đang gặt hái thành công từ chính sách di cư khác biệt, hiệu quả dài hạn của mô hình này vẫn cần thời gian kiểm chứng. Các chuyên gia cho rằng chỉ sau 5 đến 10 năm nữa, mới có thể đánh giá toàn diện liệu chiến lược này có thực sự bền vững hay không.