Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ước tính sơ bộ của Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (INE), kinh tế nước này tăng trưởng 0,8% trong quý III/2017.
Trước đó, kinh tế Tây Ban Nha đã tăng trưởng lần lượt 0,8% và 0,9% trong hai quý đầu năm 2017, nhờ nhu cầu tiêu dùng và du lịch cũng như hoạt động xuất khẩu đều khả quan.
Tuy vậy, số liệu quý III/2017 chưa tính tới bất kỳ hệ quả kinh tế nào có thể gây ra bởi cuộc khủng hoảng tại "xứ sở Bò tót" sau khi chính quyền Catalan tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1/10/2017 về vấn đề tách khỏi Tây Ban Nha.
Cùng với Madrid, Catalonia là một trong những “động lực” tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha khi đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này.
Đây cũng là nơi được khách du lịch đến thăm nhiều nhất tại Tây Ban Nha, với khoảng 18 triệu lượt du khách tới viếng thăm năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người ở Catalonia năm 2016 cao hơn 30% so với phần còn lại của Tây Ban Nha, với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn gần 4 điểm phần trăm so với mức trung bình của cả nước.
Hiện Chỉnh phủ Tây Ban Nha vẫn giữ nguyên mức dự đoán tăng trưởng kinh tế là 3,1% cho năm nay, nhưng đã hạ dự đoán tăng trưởng trong năm 2018 từ 2,6% xuống còn 2,3% do sự bất ổn vì tình hình tại Catalonia.
Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos ngày 30/10 nói, hiện “các quyết định về đầu tư và tiêu dùng đang tạm bị đình gác lại, bên cạnh sự sụt giảm tín dụng” trong tháng 10/2017.
Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin, 1.501 doanh nghiệp đã rời khỏi khu vực Catalonia do lo ngại chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập một cách bất hợp pháp. Từ ngày 2 đến 24/10/2017, tổng cộng 1.501 doanh nghiệp đã quyết định rời khỏi Catalonia, trong đó chỉ tính riêng ngày 24/10, có tới 107 doanh nghiệp quyết định di rời trụ sở chính sang các vùng lân cận khác.