Trong quý III năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giảm 0,3% so với quý trước, sau khi mưa lũ cướp đi sinh mạng của 200 người tại miền Tây Nhật Bản, cơn bão số 21 khiến sân bay Kansai phải tạm thời phải đóng cửa và động đất gây mất điện trên diện rộng tại Hokkaido.
Cụ thể, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 1,8% sau 5 quý tăng liên tiếp, do nhu cầu nước ngoài đối với ô tô và các sản phẩm công nghệ giảm. Chi tiêu của du khách nội địa cũng chịu tác động tiêu cực của các thảm họa tự nhiên vừa qua.
Tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp 50% cho nền kinh tế Nhật Bản, đã ghi nhận mức giảm 0,1% so với quý trước do chi tiêu của người dân vào du lịch hàng không, khách sạn và ăn uống giảm. Giá rau đắt lên cũng là nguyên nhân khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu.
Do số lượng các đơn đặt hàng ít, chi phí đầu tư trang thiết bị của doanh nghiệp giảm 0,2%. Đầu tư công cũng ghi nhận mức giảm mạnh 1,9% so với quý trước. Ngược lại với xu hướng trên, lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà cửa ghi nhận mức tăng trưởng 0,6% sau 5 quý.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đánh giá tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý III suy giảm do lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân chịu ảnh hưởng tạm thời của những thảm họa thiên nhiên liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Ông này cũng khẳng định xu hướng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới là không thay đổi.
Dự báo về triển vọng kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản cho rằng trong điều kiện thị trường lao động và nguồn thu nhập tiếp tục xu hướng cải thiện, kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, chính phủ cũng cho rằng cần phải hết sức lưu ý tới những yếu tố biến động của nền kinh tế thế giới do vấn đề cạnh tranh thương mại giữa các nước, biến động của thị trường tài chính, cũng như tính chưa ổn định của các yếu tố kinh tế ngoài nước.