Trong khu Phố Cổ của Jerusalem, gần như tất cả các cửa hàng quà lưu niệm đều đóng cửa. Tại chợ trời ở Haifa, những người bán hàng buồn bã lau chùi đồ đạc trên những con phố vắng tanh. Các hãng hàng không đang hủy các chuyến bay, doanh nghiệp đang thất bại và các khách sạn sang trọng thì vắng khách.
Gần 11 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Gaza, nền kinh tế của Israel đang gặp khó khăn khi các nhà lãnh đạo tiếp tục cuộc tấn công vào Gaza mà không có dấu hiệu chấm dứt và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cố gắng trấn an những lo ngại khi nói rằng thiệt hại kinh tế chỉ là tạm thời. Nhưng cuộc chiến đẫm máu nhất và hủy diệt nhất từ trước đến nay giữa Israel và Hamas đã làm tổn hại đến hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và làm suy giảm niềm tin quốc tế vào một nền kinh tế từng được coi là động lực khởi nghiệp. Một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng lệnh ngừng bắn là cách tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại.
Bà Karnit Flug, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, nhận định: “Nền kinh tế hiện tại đang phải đối mặt với tình trạng bấp bênh nghiêm trọng và điều này liên quan đến tình hình an ninh - cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, cường độ sẽ như thế nào và liệu có xảy ra leo thang thêm hay không”.
Cuộc chiến Hamas – Israel đã gây ra thiệt hại nặng nề hơn nhiều đối với nền kinh tế vốn đã suy sụp của Gaza, khi 90% dân số bị mất nơi ở và phần lớn lực lượng lao động không có việc làm. Tất cả các ngân hàng trong khu vực này đã đóng cửa. Các cuộc giao tranh đã giết chết hơn 40.000 người.
Cuộc chiến ở Gaza và các cuộc tấn công hàng ngày từ các tay súng Hezbollah ở Liban cũng đã khiến hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa dọc biên giới phía Bắc và phía Nam của Israel, gây ra thiệt hại lớn.
Nền kinh tế Israel đã phục hồi sau những cú sốc trước đây, kể cả những cuộc chiến ngắn hơn với Hamas. Nhưng cuộc xung đột kéo dài này đã tạo ra căng thẳng lớn hơn, xét đến cả chi phí tái thiết, bồi thường cho gia đình các nạn nhân và binh sĩ dự bị cũng như khoản chi tiêu quân sự khổng lồ.
Tính chất kéo dài của cuộc chiến và nguy cơ leo thang thêm với Iran và lực lượng thân Hezbollah ở Liban đã tác động đặc biệt nghiêm trọng đến ngành du lịch. Mặc dù du lịch không phải là động lực chính của nền kinh tế nhưng thiệt hại đã ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động và doanh nghiệp nhỏ.
Ông Daniel Jacob, một hướng dẫn viên du lịch Israel, người mà gia đình đang sống nhờ vào tiền tiết kiệm, cho biết: “Điều khó khăn nhất là chúng tôi không biết khi nào cuộc chiến sẽ kết thúc. Chúng tôi cần chấm dứt cuộc chiến trước khi năm nay kết thúc. Nếu kéo dài thêm nửa năm nữa, tôi không biết chúng tôi sẽ chịu đựng được bao lâu”.
Ông Jacob trở về vào tháng 4 sau sáu tháng làm nhiệm vụ binh sĩ dự bị và thấy rằng công việc kinh doanh đã không còn. Ông buộc phải đóng cửa công ty du lịch mà ông đã dành hai thập kỷ để phát triển. Nguồn thu nhập duy nhất của ông là tiền trợ cấp từ chính phủ.
Ông Meir Sabag, một người buôn đồ cổ ở Haifa, ngồi trong cửa hàng vắng tanh. Ông cho biết công việc kinh doanh hiện tại còn tệ hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Vào một ngày trong tuần gần đây, cảng Haifa, một trung tâm nhập khẩu-xuất khẩu lớn của Israel, nơi các tàu container khổng lồ thường xuyên ghé qua, đã trở nên yên tĩnh.
Khi các tay súng Houthi ở Yemen đe dọa các tàu đi qua kênh đào Suez của Ai Cập, nhiều tàu đã ngừng sử dụng các cảng của Israel làm trung tâm. Các cảng của Israel đã sụt giảm 16% lượng hàng vận chuyển trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023.
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7/10/2023. Những nỗ lực ngừng bắn do Mỹ dẫn đầu dường như đang thất bại và Iran cùng Hezbollah đã đe dọa trả thù cho vụ ám sát các thủ lĩnh hàng đầu gần đây, làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn. Những lo ngại này đã khiến các hãng hàng không lớn, như Delta, United và Lufthansa, đình chỉ các chuyến bay vào và ra khỏi Israel.
Ông Yacov Sheinin, một nhà kinh tế Israel, cho biết tổng chi phí của cuộc chiến có thể lên tới 120 tỷ USD, tương đương 20% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế của Israel đã suy giảm lớn nhất từ tháng 4 đến tháng 6. GDP của Israel dự báo sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2024. Ngân hàng Israel hiện dự đoán tốc độ tăng trưởng là 1,5% và đó là nếu cuộc chiến kết thúc trong năm nay.
Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel từ A+ xuống A vào đầu tháng này, sau những đợt hạ cấp tương tự từ S&P và Moody’s. Giảm xếp hạng tín dụng có thể làm tăng chi phí vay của chính phủ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, cuộc xung đột ở Gaza có thể kéo dài đến năm 2025”, Fitch cảnh báo trong lưu ý xếp hạng của mình. Fitch lưu ý đến khả năng chi tiêu quân sự bổ sung đáng kể, tình trạng phá hủy cơ sở hạ tầng và thiệt hại kéo dài đối với hoạt động kinh tế và đầu tư.
Trong một dấu hiệu đáng lo ngại khác, Bộ Tài chính Israel tháng này cho biết thâm hụt của nước này trong 12 tháng qua đã tăng lên mức tương đương hơn 8% GDP, vượt xa tỷ lệ 6,6% mà bộ dự báo cho năm 2024. Năm 2023, thâm hụt ngân sách của Israel xấp xỉ 4% GDP.
Việc hạ cấp tín nhiệm và thâm hụt đã gia tăng áp lực lên chính phủ Israel để chấm dứt cuộc chiến và giảm thâm hụt, đòi hỏi các quyết định không được lòng dân như tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu.
Nhưng ông Netanyahu cần duy trì liên minh và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich muốn cuộc chiến tiếp tục cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.
Bà Flug cho rằng tình hình hiện tại là không bền vững và rằng liên minh chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu.
Ông Smotrich thì nói rằng nền kinh tế Israel vẫn mạnh mẽ và cam kết thông qua một ngân sách có trách nhiệm sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả các nhu cầu của cuộc chiến, đồng thời duy trì các khuôn khổ tài chính và thúc đẩy các động cơ tăng trưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức trước chiến tranh, ở mức 3,4% vào tháng 7 so với 3,6% vào tháng 7/2023. Nhưng khi tính đến những người Israel bị buộc phải rời khỏi thị trường lao động, con số này tăng lên 4,8%, một con số vẫn được coi là thấp ở hầu hết các quốc gia.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa vì chủ và nhân viên được triệu tập tham gia nghĩa vụ quân sự dự bị. Những người khác đang phải vật lộn trong bối cảnh suy thoái chung.
Công ty thông tin kinh doanh Israel CofaceBDI báo cáo rằng khoảng 46.000 doanh nghiệp đã đóng cửa kể từ khi cuộc chiến bắt đầu - 75% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ.
Thậm chí khách sạn American Colony mang tính biểu tượng của Jerusalem, một điểm dừng chân phổ biến của các chính trị gia, nhà ngoại giao và ngôi sao điện ảnh, cũng đã sa thải nhân viên và đang xem xét cắt giảm lương. Ông Jeremy Berkovitz, người đại diện cho các chủ sở hữu, cho biết: “Chúng tôi đã cân nhắc việc đóng cửa trong vài tháng, nhưng tất nhiên điều đó có nghĩa là phải sa thải tất cả nhân viên. Điều đó có nghĩa là để những khu vườn, mà chúng tôi đã phát triển trong suốt 120 năm qua, trở nên cằn cỗi”.
Ông Sheinin cho biết cách tốt nhất để giúp nền kinh tế phục hồi là chấm dứt cuộc chiến. Nhưng ông cảnh báo: “Nếu chúng ta cứng đầu và tiếp tục cuộc chiến này, chúng ta sẽ không thể phục hồi”.