Kinh tế Đức đối mặt suy thoái dài nhất từ sau Thế chiến thứ 2

Viện nghiên cứu Handelsblatt (HRI) cảnh báo nền kinh tế Đức đang trên đà suy thoái dài nhất sau chiến tranh, với năm 2025 được dự báo là năm thứ ba suy giảm liên tiếp.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khu phố đi bộ ở Cologne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo HRI, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm 0,1% vào năm 2025, sau khi giảm 0,3% vào năm 2023 và 0,2% vào năm 2024. Đợt suy thoái kéo dài này vượt qua cuộc suy thoái hai năm đầu thập niên 2000, phản ánh những tác động kép của cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát dai dẳng và đại dịch COVID-19.

Ông Bert Rurup, nhà kinh tế trưởng của HRI, nhận định: “Nền kinh tế Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hậu chiến”.

Những thách thức về nhân khẩu học, đặc biệt là tình trạng dân số già hóa, đang làm trầm trọng thêm tình hình. HRI ước tính tiềm năng tăng trưởng của Đức đã giảm xuống chỉ còn 0,5% hàng năm.

Ông Rurup lưu ý nền kinh tế Đức đang ở giai đoạn đầu của một đợt tăng trưởng già hóa mạnh mẽ. Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Liên bang, dự kiến ​​công bố ngày 15/1, nhiều khả năng xác nhận xu hướng suy giảm kinh tế trong năm 2024.

Dù HRI dự báo sẽ có có sự phục hồi khiêm tốn vào năm 2026, với mưc tăng trưởng dự kiến ​​chỉ đạt 0,9%, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạntrước khủng hoảng. Ngân hàng trung ương Đức gần đây cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2025, từ 1,1% xuống 0,2%.

Việc Đức từ bỏ khí đốt giá rẻ từ Nga và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cua Mỹ với chi phí cao hơn đã đẩy giá năng lượng lên mức đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ. Chi phí tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản, trong đó có cả những tập đoàn lớn như Volkswagen.

Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine leo thang vào năm 2022, Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga để đáp ứng hơn một nửa nhu cầu năng lượng của mình. Sau các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moskva, nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm mạnh hoặc ngừng hoàn toàn. Vào tháng 9/2022, đường ống Nord Stream, vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, đã bị phá hủy bởi một vụ nổ. Đến ngày 1/1 năm nay, Nga chính thức ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến EU.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù ngành xuất khẩu, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm giá trị cao, vẫn là thế mạnh của nền kinh tế Đức, ngành này cũng đối mặt với thách thức từ tình trạng bất ổn toàn cầu và chi phí năng lượng leo thang. Việc mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga đã làm quá trình phục hồi của kinh tế Đức thêm gian nan.

Cựu Thủ tướng Angela Merkel gần đây đã chỉ trích quyết định từ bỏ khí đốt của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2 hồi tháng 12/2024, bà gọi thỏa thuận cung cấp khí đốt trước đây với Nga là “tình huống đôi bên cùng có lợi”. Bà nhấn mạnh rằng thoả thuận này cung cấp cho Đức nguồn năng lượng giá rẻ, trong khi mức giá hiện nay tại Đức đã tăng vọt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đang trở thành mối lo ngại hàng đầu của người dân Đức. Một cuộc thăm dò của đài truyền hình công cộng ARD vào cuối năm ngoái cho thấy, kinh tế là vấn đề cử tri quan tâm nhất. Sau khi chính phủ liên minh trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng 11/2024, Đức sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 23/2 tới đây.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Khủng hoảng kinh tế Đức: Từ trụ cột châu Âu đến dấu hiệu suy thoái khó hồi phục
Khủng hoảng kinh tế Đức: Từ trụ cột châu Âu đến dấu hiệu suy thoái khó hồi phục

Suy giảm sản lượng, mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc đã làm xói mòn vị thế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN