Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đại diện 3 đảng trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Christian Lindner đưa ra. Ông Lindner đã đề xuất bầu cử sớm, Thủ tướng Scholz đã từ chối và sa thải ông sau đó.
Trong một thông báo sau đó, lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội Christian Dürr tuyên bố FDP sẽ rút tất cả các bộ trưởng ra khỏi chính phủ của Thủ tướng Scholz, chính thức chấm dứt liên minh được thành lập vào cuối năm 2021 này.
Thủ tướng Scholz dự kiến sẽ lãnh đạo chính phủ thiểu số với đảng SPD của mình và đảng Xanh, đảng lớn thứ hai tại Đức. Ông sẽ phải dựa vào các liên minh nghị viện chắp vá để thông qua luật và dự kiến tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 15/1/2025. Kết quả bỏ phiếu có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 3/2025.
Thủ tướng Scholz cho biết sẽ đề nghị ông Friedrich Merz, lãnh đạo phe đối lập bảo thủ đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, ủng hộ thông qua ngân sách và tăng chi tiêu quân sự. Ông Merz dự kiến trả lời trong cuộc họp báo sáng 7/11 (giờ địa phương).
Phản ứng với kết quả cuộc bầu cử Mỹ cũng như những bất ổn trên chính trường Đức, chỉ số DAX tại Frankfurt giảm 1,1% và khép phiên 6/11 xuống 19.039,31 điểm.
Liên minh ba đảng của ông Scholz đã sụp đổ sau nhiều tháng tranh cãi về chính sách ngân sách và định hướng kinh tế của Đức, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ chính phủ sụt giảm và các lực lượng cực hữu, cực tả trỗi dậy.
Nhận định về vấn đề này, nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin cho biết Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng. Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng FDP bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức thông thường cần thiết để thành lập một Chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglieri dự đoán rằng Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.
Sau khi giải tán Quốc hội, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và quy trình tổ chức giống như các cuộc tổng tuyển cử thông thường. Cho đến nay, CHLB Đức mới tổ chức ba cuộc bầu cử Quốc hội sớm, vào các năm 1972, 1983 và 2005.
Với việc Pháp cũng đối mặt với bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử sớm năm nay, tình trạng hỗn loạn ở hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) có thể cản trở nỗ lực hội nhập sâu rộng hơn của khối giữa lúc phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài.