Nạn nhân Triều Tiên Kim Chol bị hạ độc tại sân bay Kuala Lumpur. Ảnh: NBCNews |
Ông Kim Chol được cho là Kim Jong-nam, tức người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Luật sư bào chữa Hisyam Abdullah cho biết chuyên gia khoa chất độc của chính phủ K. Sharmilah đã kiểm tra các mẫu thuốc được cảnh sát cung cấp.
Theo Hội dược sĩ hệ thống sức khỏe Mỹ (ASHP), thuốc atropine có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của chất độc thần kinh và thuốc trừ sâu.
“Nếu như bạn biết có người muốn ám sát bạn với chất độc thần kinh, atropine sẽ là loại thuốc chủ chốt mà bạn sẽ muốn mang theo người”, Nial Wheate – giảng viên cấp cao thuộc khoa y dược Đại học Sydney nhận xét.
Atropine thông thường được đưa vào cơ thể người qua đường tiêm vào cơ dưới da. Tuy nhiên, thuốc này cũng được bào chế dưới dạng viên hoặc nước nhỏ mắt. Ngoài tác dụng giải độc, thuốc này còn được sử dụng trong việc chữa trị co thắt cơ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Wheate, tác dụng giải độc của thuốc atropine phụ thuộc vào đường đưa thuốc vào cơ thể. “Nếu như mang theo dạng viên hay thuốc nhỏ mà định nuốt thì nó không có tác dụng. Khi nuốt viên thuốc atropine, phải mất 15 đến 20 phút nó mới có tác dụng khi đến được các mạch máu, và thời điểm đó chất kịch độc VX đã giết chết bạn rồi”, ông giải thích.
Công ty công nghệ y tế Meridian cảnh báo thuốc atropine chỉ được sử dụng làm phương pháp sơ cứu các triệu chứng bị ảnh hưởng từ chất độc thần kinh. “Các cá nhân không nên chỉ phụ thuộc vào mỗi thuốc atropine… để phòng ngừa chất độc thần kinh”.
Tại Mỹ, atropine được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ được bán cho các chuyên gia cũng như các nhà phân phối y tế.
Bên cạnh thuốc giải độc, nạn nhân Kim còn mang theo 125.000 USD tiền mặt khi bị hạ độc ở sân bay.
Ngày 13/2/2017, công dân Triều Tiên có hộ chiếu mang tên Kim Chol đã chết tại sân bay Kuala Lumpur. Phía Malaysia cho rằng ông Kim Chol bị đầu độc bằng chất độc thần kinh VX không màu không mùi, trong khi Triều Tiên khẳng định ông này chết vì cơn đau tim, tiểu đường và áp huyết cao.
Một loạt nghi phạm đã bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ để phục vụ công tác điều tra, trong đó có Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah. Tại phiên tòa ngày 1/3, hai nghi phạm Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah chính thức bị buộc tội giết người. Tuy nhiên, cả hai bị cáo đều phủ nhận các tội danh và cho biết họ bị lừa khi nghĩ rằng đang tham gia một trò đùa vô hại.