Khủng hoảng của Israel
Theo tờ Daily Beast, hồi tháng 6, có vài ngày Israel không có một ca mắc COVID-19 mới nào. Israel đã khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia hồi tháng 12/2020 và là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: 80% công dân trên 12 tuổi đã được tiêm đầy đủ. Phần lớn người Israel đã nghĩ rằng COVID-19 đã bị đánh bại. Israel dỡ bỏ mọi biện pháp chống dịch và người Israel trở lại với tiệc tùng đông đúc, cầu nguyện ở các địa điểm mà không cần đeo khẩu trang.
Hai tháng sau, Israel ghi nhận 9.948 ca mắc mới vào ngày 23/8, tức là sát nút con số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục ở nước này: 10.000 ca hồi đỉnh dịch làn sóng thứ ba. Trên 350 người đã tử vong vì COVID-19 trong ba tuần đầu tháng 8.
Trong họp báo ngày 22/8, các giám đốc bệnh viện công cho biết họ không thể nhận thêm bệnh nhân COVID-19. Với 670 bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt, các khoa ở những bệnh viện công này đang quá tải, nhân viên y tế tới ngưỡng chịu đựng.
Theo Hagai Levine, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Jerusalem, nhận định sự thật phức tạp là không có chính sách hay sự kiện đơn lẻ nào dẫn tới khủng hoảng này. Một loạt tình huống nguy hiểm xảy ra đã khiến Israel mấp mé bờ vực. Ông nói: “Chúng ta vẫn đang ở giữa đại dịch và không có biện pháp thần kỳ nào cả”.
Tuy nhiên, nguyên nhân cính khiến Israel lâm vào tình trạng hiện nay là biến thể dễ lây lan Delta, do người Israel mang về sau khi đi nghỉ ở nước ngoài trong thời gian mà Israel bỏ mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, còn có mối lo hiệu quả vaccine giảm sau khoảng 6 tháng.
Israel tiêm cho phần lớn dân số bằng vaccine của Pfizer và đây vẫn là tiêu chuẩn vàng để ngăn ngừa ca bệnh nặng do COVID-19.
Nhưng đầu tháng 7, khi coogn dân trên 60 tuổi gần như đã dược tiêm chủng hết thì các nhà khoa học lại bắt đầu thấy tình trạng gia tăng ca nhiễm đáng lo ở những người đã tiêm đủ hai mũi, dù không phải là ca nặng và gây tử vong.
Tuần này, mọi người Israel trên 30 tuổi sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường. Tới cuối tháng 8, Israel hy vọng tiêm mũi ba cho toàn bộ người trên 12 tuổi đã tiêm hai mũi cách đây từ 5 tháng.
Bà Galia Rahav, giáo sư tại Bệnh viện Sheba, lý giải nguyên nhân Israel lại lây nhiễm không khác thời đỉnh dịch ngay cả khi đang triển khai tiêm vaccine mũi ba: “Tôi cho rằng chúng ta đang đối phó với một loại virus rất khó chịu. Đây là vấn đề chính và chúng ta đang học một bài học khó khăn”. Bà Rahav nói: “Đó là sự kết hợp của yếu tố giảm miễn dịch, khiến người đã tiêm tái nhiễm, cùng lúc biến thể Delta phát hiện. Nhưng đó không phải là vấn đề của riêng Israel. Mọi nơi đều thế”.
Mỹ có rút kinh nghiệm từ trường hợp Israel?
Kết luận của bà Rahav là lời cảnh báo với giới chức Mỹ khi mở cửa trường học trở lại khi mà mới chỉ có 50% người trưởng thành đã tiêm vaccine đầy đủ.
Mới đây, chỉ vài ngày sau khai giảng năm học mới, trên 20.000 học sinh tại 800 trường học ở bang Mississippi đã phải cách ly do tiếp xúc với người mắc COVID-19. Khoảng 4.500 học sinh tại Mississippi đã mắc COVID-19 trong tuần đầu năm học.
Tại Mississippi, kể từ khi các trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè vào ngày 9/8, gần 5% trên tổng số học sinh đã phải cách ly. Tỷ lệ tiêm chủng đẩy đủ của cư dân Mississppi là chưa đầy 36%.
Nhà dịch tễ học Paul Byers cho rằng số lượng trẻ em đang bị cách ly là vượt quá sức tưởng tượng.
Trên khắp nước Mỹ, các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp và nới lỏng quy định đeo khẩu trang giống như Mississippi đã đề nghị hàng chục nghìn học sinh và giáo viên cách ly. Biến thể Delta, hiện là chủng virus thống trị nước Mỹ, đang ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi ở tỷ lệ cao hơn.
Mỹ đã ghi nhận 4,4 triệu trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2, trên tổng số 37 triệu trẻ em, kể từ khi đại dịch xảy ra. Theo Viện Nhi khoa Mỹ, chưa đầy 2% trẻ mắc COVID-19 cần phải nhập viện điều trị và tỷ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,03%.
Trẻ em dưới 12 tuổi hiện chưa được phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ, khiến nhóm đối tượng này có nguy cơ cao hơn bị lây nhiễm biến thể Delta.
Trong khi đó, ngày 23/8, Trung tâm Phòng ngừa và Kểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19 đang tiếp tục tăng do biến thể siêu lây nhiễm Delta. Theo báo cáo hằng tuần mới nhất của CDC Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày trung bình trong 7 ngày qua (133.056 ca) đã tăng 14% so với mức trung bình của tuần trước đó (116.740 ca). Tương tự, số ca mới phải nhập viện trong tuần từ 11-17/8 là 11.521 ca, tăng 14,2% so với tuần trước đó (10.088 ca). Các bang Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi, Oregon và Washington có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất.
Trong khi đó, số ca tử vong mới trung bình trong tuần qua (641 ca) đã tăng 10,8% so với tuần trước đó (578 ca). Tính trên cả nước, tổng số ca nhiễm biến thể Delta ước tính tăng 98,8%.
Theo số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ là trên 37,8 triệu ca, trong đó có hơn 692.000 ca tử vong. Tính đến ngày 22/8, đã có 51,5% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine.