Theo báo Telegraph, bà Dame Sarah Gilbert tại Đại học Oxford đã đưa ra nhận định trên tại một hội thảo trực tuyến của Hội Y khoa Hoàng gia về các biến thể của virus ngày 22/9. Bà Gilbert cho rằng các loại virus thường có xu hướng giảm độc lực theo thời gian khi chúng lây lan khi trong cộng đồng mà con người ngày càng có nhiều miễn dịch hơn. Mặc dù có thể có hiện tượng “trôi dạt di truyền”, nhưng SARS-CoV-2 cuối cùng sẽ trở thành các loại virus corona theo mùa khác, ví dụ như loại gây bệnh cảm lạnh và viêm đường hô hấp.
Bà Gilbert nói: “Virus này không thể đột biến hoàn toàn vì protein gai của nó phải tương tác với thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào con người để xâm nhập vào tế bào. Nếu nó thay đổi protein gai nhiều tới mức không thể tương tác với thụ thể đó, thì nó sẽ không thể xâm nhập tế bào. Vì thế, không còn nhiều chỗ để virus lây lan để có thể vừa tránh miễn dịch mà vẫn lan mạnh”.
Do đó, bà Gilbert cho rằng không có lý gì con người sẽ có một phiên bản nguy hiểm hơn của SARS-CoV-2 nữa. Bà nói: “Chúng ta đang sống với bốn loại virus corona ở người mà chúng ta không thực sự để ý nhiều tới chúng. Cuối cùng SARS-CoV-2 sẽ trở thành một trong số đó. Câu hỏi là bao lâu nữa thì tới thời điểm đó và chúng ta sẽ thực hiện biện pháp nào để kiểm soát virus cho tới lúc đó”.
Tuy nhiên, Giáo sư Sharon Peacock, Giám đốc điều hành Tập đoàn Hệ gien học COVID-19 của Anh, đơn vị giám sát các biến thể cho Chính phủ Anh, lại nhận định: “Đã khá yên ắng kể từ khi biến thể Delta xuất hiện và sẽ rất tốt nếu có thể nghĩ rằng sẽ không còn biến thể đáng lo ngại mới nào nữa. Nếu tôi dự báo, tôi cho rằng sẽ có biến thể mới xuất hiện theo thời gian và tôi nghĩ chặng đường phải đi cùng loại virus này còn khá dài”.
Giáo sư Peacock cho rằng tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để chống COVID-19 và ngăn chặn biến thể mới xuất hiện. Bà nói: “Nếu không tiêm chủng, sẽ có tình trạng lây nhiễm không kiểm soát, khi đó, virus có cơ hội xuất hiện đột biến”.
Tới nay, các biến thể SARS-CoV-2 có vẻ như có độc lực cao hơn và lẩn tránh miễn dịch đã bị biến thể Delta lất át hoàn toàn. Các chuyên gia vẫn lo ngại về biến thể Beta và Lambda nhưng biến thể Delta vẫn là mối lo ngại chính.
Ngày 21/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhận định tương tự. Theo trưởng ban kỹ thuật phòng chống COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, hiện mỗi biến thể còn lại trong nhóm được WHO phân loại là "biến thể gây quan ngại" (gồm Alpha, Beta và Gamma) gây ra chưa đến 1% tổng số ca bệnh toàn cầu. Trong khi đó, biến thể Delta thời gian qua đã biến ứng và thích nghi tốt, trở nên dễ lây lan hơn, đang "chèn ép" và dần thay thế tất cả các biến thể còn lại. Theo WHO, Delta đã xuất hiện ở hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vào khoảng cuối năm 2020, các biến thể mới của virus xuất hiện đã làm gia tăng nguy cơ đe dọa hệ thống y tế toàn cầu và WHO cũng bắt đầu phân loại thành những cấp độ để thông tin tốt hơn về cách thức ứng phó với dịch bệnh. WHO quyết định đặt tên cho các biến thể theo thứ tự trên bảng chữ cái Hy Lạp để tránh việc các nước nơi virus xuất hiện đầu tiên bị gọi tên.
Bên cạnh 4 biến thể thuộc nhóm "đáng quan ngại" thì còn có 5 biến thể thuộc nhóm "biến thể cần quan tâm". Tuy nhiên, theo bà Van Kerkhove, 3 trong nhóm này gồm Eta, Iota và Kappa, đã được hạ xuống mức biến thể cần theo dõi. Bà Van Kerkhove cho rằng sự điều chỉnh trên là dựa trên những biến đổi trong thực tế lây truyền và rằng các biến thể thuộc nhóm "cần quan tâm" bị nhóm "đáng quan ngại" lấn át và dần ít xuất hiện hơn.