Không có điều hòa, dân châu Âu bị thiêu đốt trong nắng nóng kỷ lục

Ở châu Âu, nơi máy điều hòa nhiệt độ không phổ biến, người dân các nước đang vật vã với cái nóng như thiêu như đốt trong mùa hè nhiệt độ lên cao tới mức kỷ lục.

Nắng nóng và điều hòa

Chú thích ảnh
Người dân giải nhiệt tránh nóng tại một đài phun nước ở Berlin, Đức ngày 25/7. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ New York Times, chưa bao giờ trong lịch sử thủ đô Paris của Pháp lại nóng hơn ngày 25/7.

Nhiệt độ trong ngày này gần 43 độ C. Ở Bỉ, Đức và Hà Lan cũng nóng tương tự. Cái nóng nguy hiểm làm khô héo của vùng Tây Âu.

Người Paris mặc nguyên cả quần áo lao mình vào các đài phun nước ở Trocadero để giải nhiệt. Người Viena làm mát dưới các máy phun hơi nước mà thành phố lắp đặt. Người Amsterdam thì nhúng chân xuống bể bơi trẻ em ở quán cà phê.

Chú thích ảnh
Châu Âu trải qua đợt nóng kỷ lục. Ảnh: AFP/TTXVN

Dân châu Âu buộc phải giải nhiệt với nước khi mà ở đây, hiếm khi người ta nhìn thấy máy điều hòa nhiệt độ. Đó là vì trong suốt thế kỷ qua, thứ công nghệ điều họa phổ biến trong các ngôi nhà và văn phòng ở Mỹ hay châu Á thì vẫn bị lạnh nhạt ở phần lớn châu Âu. Điều hòa là thứ đồ dùng không cần thiết ở đây.

Sadio Konte, một thanh niên 26 tuổi đang giải nhiệt ở đài phun nước Trocadero cạnh Tháp Eiffel, nói: “Điều hòa không khí đắt và tiêu thụ nhiều năng lượng. Tận dụng những nơi tự nhiên và tươi mát nhất là giải pháp thông minh hơn. Và nó không mất tiền”.

Với tinh thần đó, những người yêu âm nhạc Đức, trong số đó cả cả Thủ tướng Angela Merkel, đã dự lễ hội Wagner tại một sảnh opera không điều hòa không khí ở thành phố miền Nam Bayreuth chiều 25/7. Nhiệt độ ở đây là 34 độ C nhưng người tham dự vẫn phải ăn mặc đủ bộ trang phục trang trọng cho dù đổ mồ hôi.

Chú thích ảnh
Người dân tránh nóng trong công viên tại Brussels, Bỉ, ngày 24/7. Ảnh: THX/TTXVN

Có dấu hiệu cho thấy những người châu Âu đổ mồ hôi trong nắng nóng đang nghĩ lại quan điểm về điều hòa nhiệt độ. 

Maximilian Schichtl, giám đốc một công ty ở Munich chuyên lắp đặt và bảo dưỡng máy làm mát, nói: “Chúng tôi tăng trưởng đều hàng năm”. 

Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng dùng điều hòa nhiệt độ có thể khiến vấn đề ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng. Ông Brice Tremeac, Giám đốc Phòng thí nghiệm Hệ thống Nhiệt, Năng lượng và Hơi lạnh, cho biết: “Khi làm mát bên trong và làm ấm bên ngoài, chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn nguy hiểm”.

Chú thích ảnh
Người dân tránh nắng nóng tại bể bơi ở Huizingen, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo năm 2018 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, châu Âu chiếm chỉ 6% thị phần điều hòa nhiệt độ toàn cầu, so với 23% ở Mỹ và 35% ở Trung Quốc. Hơn 90% gia đình Nhật Bản và Mỹ có hệ thống điều hòa không khí. Còn tại châu Âu, chưa đầy 10% hộ gia đình có điều hòa. Ở Đức, con số còn dưới 2%.

Theo ông Cecile de Munck, một nhà nghiên cứu thuộc Meteo France (cơ quan thời tiết quốc gia), đặc trưng kiến trúc ở nhiều nước châu Âu giúp làm mát các thành phố. Thành phố có các con phố hẹp cộng với tòa nhà cao tầng che bóng mát. Các tòa nhà thường có tường dày và cửa sổ mở nên bên trong tòa nhà mát. 

Tuy nhiên, cách tiếp cận truyền thống này trong kiến trúc không còn phù hợp. Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi, ví dụ như đặt cửa chớp trong tòa nhà chứ không phải bên ngoài, nơi sẽ bị Mặt Trời thiêu đốt. Cây, đất mềm, vật liệu thấm nước cần được dùng khi xây đường phố.

Ngoài ra, cũng cần công nghệ cao hơn. Ở các thành phố, ống nước mát ngầm cũng có thể thay thế điều hòa không khí. Ở Paris, mạng lưới ống nước ngầm dài 78km giúp làm mát phần lớn thành phố. Hệ thống này bơm nước lạnh từ sông Seine.

Cảnh báo nắng nóng

Chú thích ảnh
Trẻ em chơi đùa bên vòi phun nước để tránh nắng nóng tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mối nguy hiểm ngay trước mắt của nắng nóng là ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và người sức khỏe kém.

Ở Pháp, chính quyền đã phát hàng trăm cảnh báo, hy vọng tránh lặp lại con số người chết do đợt nắng nóng năm 2003. Năm đó, nắng nóng đã gây ra gần 15.000 ca tử vong. Các tình nguyện viên đứng trên phố phát nước. Tòa thị chính Paris yêu cầu hạn chế ô tô vì sợ ô nhiễm không khí.

Ở Đức, các khu vực ngoại trừ vùng biển Đông Bắc đều có cảnh báo nắng nóng. Giới chức khuyến cáo người dân uống đủ nước và tránh ra ngoài trời vào giờ trưa, chiều.

Ở Áo, cơ quan đường sắt quốc gia bắt đầu sơn các đường ray màu trắng với hy vọng giúp đường ray không quá nóng dẫn tới bị cong vênh. Các dự án tương tự đang được thực hiện ở nhiều nơi tại Đức và Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Người dân chơi đùa bên vòi phun nước để tránh nắng nóng tại Nice, miền nam nước Pháp ngày 22/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Anh, Cơ quan Thời tiết Quốc gia đặt 5/9 khu vực vào mức theo dõi sức khỏe Cấp độ 3, một dạng như tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Các mùa hè nóng nhất ở châu Âu trong 500 năm qua đều diễn ra trong 17 năm trở lại đây. Nhiều đợt nắng nóng liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Trong những năm tới, sẽ có thêm nhiều khu vực nóng hơn ở châu Âu.

Tại Bỉ, nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C, người dân cũng đang chật vật thích nghi. Francesca Van Daele, một sinh viên đại học, nói: “Thật sốc khi ở Brussels mà lại nóng thế này. Quy hoạch đô thị của chúng tôi không hợp với đợt nóng như vậy”.

Một đoàn tàu Eurostar trên đường từ Brussels tới London đã bị hỏng ở Tubize, Bỉ. Dù nóng nhưng hành khách không được mở cửa sổ hay rời tàu suốt 3 tiếng vì lý do an toàn.

Ông Paul De Grauwe, một nhà kinh tế Bỉ trên tàu nói: “Mọi thứ đột ngột hỏng: không điều hòa, không điện. Tôi chưa bao giờ nóng như vậy trong đời”.

Luce Tainturier, một nhân viên quy hoạch đô thị 25 năm, cho biết nóng nắng như này thật khó chịu đựng nhưng nó cũng là một bài học cho con người: “Tốt hơn là không có điều hòa để chúng ta có thể cảm nhận hậu quả thật của biến đổi khí hậu”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Khách sạn bám vào vách núi, bể bơi treo trên biển
Khách sạn bám vào vách núi, bể bơi treo trên biển

Đó là ý tưởng độc đáo của một kiến trúc sư Thổ Nhĩ Kỳ - người dự định thực hiện kiến trúc táo bạo này ở Na Uy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN