Không chỉ dành cho giới siêu giàu, ‘du lịch xa xỉ’ đang bùng nổ trong thế hệ Z

Không còn là đặc quyền của các triệu phú và tỷ phú như trước đây, thế hệ Millennials (thế hệ thiên niên kỷ), thế hệ Z, cùng du khách từ các thị trường mới nổi như châu Á và Trung Đông, đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong phân khúc du lịch xa xỉ.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan khu vực Cầu cảng Sydney, Australia ngày 17/6/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Tập đoàn tư vấn McKinsey, khách du lịch xa xỉ là những người sẵn sàng chi từ 500 USD mỗi đêm cho chỗ ở. Tuy nhiên, khái niệm “xa xỉ” trong du lịch đã thay đổi đáng kể. Giờ đây, du lịch hạng sang không chỉ tập trung vào sự xa hoa mà còn mang tính cá nhân và ý nghĩa hơn, phản ánh nhu cầu của những người trẻ tìm kiếm sự kết nối và bền vững trong thế giới hậu đại dịch.

Ngành dịch vụ trị giá hàng nghìn tỷ USD

Mặc dù cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến toàn cầu, ngành du lịch hạng sang đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Dự kiến, ngành này tăng trưởng từ 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2024 lên 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng hàng năm ấn tượng, đạt 8,6%.

Tại Australia, xu hướng tương tự diễn ra khi thị trường du lịch hạng sang đạt 37,4 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 70 tỷ USD vào năm 2032.

Thế hệ trẻ dẫn đầu xu hướng mới

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sự phát triển của du lịch hạng sang không chỉ đến từ giới siêu giàu mà còn từ những du khách trẻ tuổi. Tạp chí Forbes nhấn mạnh rằng những người trẻ tuổi - thuộc thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ, dù không phải triệu phú hay sở hữu những tài sản lớn - sẵn sàng đầu tư mạnh vào những trải nghiệm du lịch ý nghĩa. Sau thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịchCOVID-19, nhiều người đang theo đuổi xu hướng “du lịch trả thù” để thỏa mãn cảm giác khám phá, họ sẵn sàng vung tiền cho những chuyến đi để bù đắp thời gian đã mất.

Một xu hướng đang lan tỏa là “du lịch bất chấp mọi giá”, nơi người ta sẵn sàng chi tiêu cao để có những trải nghiệm độc đáo mà họ mong muốn.

Như một nhà quan sát ngành du lịch xa xỉ nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​xu hướng ‘du lịch bất chấp mọi giá’, nơi mọi người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có những trải nghiệm mà họ muốn, bất kể giá đó là bao nhiêu”.

Sự thay đổi trong định nghĩa về “xa xỉ”

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan khu vực Nhà hát Opera ở Sydney, Australia. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngày nay, du lịch hạng sang không chỉ là những kỳ nghỉ xa hoa, mà còn là những trải nghiệm mang tính cá nhân và sâu sắc. Nhiều người chọn chi tiêu cho những kỳ nghỉ với mục tiêu khám phá bản thân, kết nối với cộng đồng và trải nghiệm những giá trị đích thực. Điều này có thể bao gồm việc khám phá những vùng đất hoang sơ, tiếp cận những nền văn hóa ít được biết đến hay tham gia vào các hoạt động mang lại sự yên bình, như rèn luyện sức khỏe và tinh thần.

Trải nghiệm cũng có thể được nâng cao qua kiến thức chuyên môn – như thưởng thức những chai rượu vang quý hiếm hoặc tham quan một địa danh cùng với các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Trước đây, du lịch xa xỉ được định nghĩa bằng giá cả và địa vị, nhưng ngày nay, du lịch xa xỉ là về những câu chuyện đáng chia sẻ - trên phương tiện truyền thông xã hội và trong cuộc sống thực - và những trải nghiệm phù hợp với các giá trị cá nhân.

Bà Anita Manfreda, giảng viên cao cấp về du lịch tại Đại học Torrens (Australia), cho biết: “Trong 17 năm làm việc và nghiên cứu về du lịch xa xỉ, tôi đã gặp gỡ rất nhiều du khách xa xỉ khác nhau. Từ những người về hưu khiêm tốn tận hưởng thành quả lao động chăm chỉ, cho đến những người nổi tiếng, VIP, gửi 32 trang yêu cầu trước khi bước chân vào khách sạn”.

Chú thích ảnh
Khách du lịch đi thuyền gondola tại Venice, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù những người lớn tuổi có giá trị tài sản ròng cao từ Bắc Mỹ và châu Âu vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong nhóm du khách xa xỉ, nhưng hiện nay, một tỷ lệ ngày càng tăng thuộc về thế hệ thiên niên kỷ, thế hệ Z và khách du lịch từ các thị trường mới nổi như châu Á và Trung Đông.

Trong đó, những yếu tố truyền thống của du lịch hạng sang, như phòng tổng thống hay đảo riêng, vẫn luôn được giới thượng lưu có giá trị tài sản ròng cao ưa chuộng.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều du khách hướng tới những trải nghiệm văn hóa, phiêu lưu và những chuyến đi nhóm nhỏ, mang tính gắn kết và gần gũi. Những du khách này thường chọn du lịch vào mùa thấp điểm và đến những địa điểm ít người biết đến để tránh đám đông, đồng thời họ cũng có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ hơn cho du lịch bền vững.

Tương lai của du lịch xa xỉ

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Với sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, tương lai của du lịch hạng sang sẽ xoay quanh các giá trị mới - như tính bền vững, ưu tiên sức khỏe và sự kết nối.

Đáng chú ý, du lịch chậm, bao gồm cả việc di chuyển bằng tàu hỏa, đang trở thành xu hướng, khi du khách lựa chọn những trải nghiệm thân thiện với môi trường và cân bằng giữa công nghệ với sự thanh lọc kỹ thuật số.

Trong một thế giới ngày càng kết nối, nhiều người tìm kiếm cơ hội để ngắt kết nối với công nghệ, tận hưởng những giây phút trọn vẹn trong thế giới thực. Du lịch không còn chỉ là nghỉ ngơi, mà còn là hành trình khám phá, học hỏi và tìm lại chính mình.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNA)
Thách thức của ngành du lịch Thái Lan khi du khách Trung Quốc không tăng
Thách thức của ngành du lịch Thái Lan khi du khách Trung Quốc không tăng

Theo Hiệp hội Du lịch Thái Lan (ATTA), ngành du lịch nước này khó kỳ vọng có tăng trưởng trong thị trường khách Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức kinh tế vào năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN