Theo hãng tin AP, dung nham từ núi lửa ở La Palma (Tây Ban Nha) đã lan ra tới Đại Tây Dương lúc 11 giờ đêm ngày 28/9, làm gia tăng lo ngại nguy cơ phát tán khí độc trong không khí.
Làn khói này có thể khiến da bị kích ứng, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp và mắt, thậm chí nếu hít phải khói này, người dân có thể bị khó thở. Tuy nhiên, người đừng đầu cơ quan khẩn cấp núi lửa Pevolca của quần đảo Canary, ông Rubén Fernández, cho biết từ đêm, gió đã thổi khí độc này ra ngoài biển, do vậy, nguy cơ đối với sức khỏe của người dân đã được giảm thiểu.
Nhà chức trách đã thiết lập một vành đai an ninh 3,5km và yêu cầu cư dân trong khu vực ở trong nhà, đóng cửa sổ để tránh hít phải dòng khí có khả năng có độc khi núi lửa phun trào. Chính quyền cũng khuyến cáo người dân bảo vệ sức khỏe bằng cách che miệng và mũi bằng khẩu trang hoặc khăn ẩm nhằm hạn chế hít phải khí độc. Thậm chí, giới chuyên gia còn khuyến cáo người dân chèn khăn ẩm và dán băng dính vào các khe cửa để chặn khí độc vào nhà.
Cho tới nay, các nhà chức trách chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào do núi lửa.
Video: Dung nham núi lửa tràn dữ dội ra biển tạo các làn khói khổng lồ (Nguồn: The Guardian):
Núi lửa Cumbre Vieja nằm ở phía Nam đảo Palma thuộc quần đảo Canary. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua núi lửa này phun trào dung nham. Lần gần đây nhất núi lửa này phun trào là vào năm 1971, sau đợt phun trào năm 1949.
Sân bay trên đảo La Palma vẫn đóng cửa do đám mây tro bụi khổng lồ lên tới 7km. Các chuyên gia cho rằng chưa thể xác định đợt phun trào sẽ kéo dài bao lâu. Những vụ phun trào trước đây ở quần đảo này đã kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.