Đây là một phần nỗ lực khôi phục ngành du lịch của Thái Lan sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dự kiến chi phí khoảng 5 tỷ baht (156,93 triệu USD). Tuy nhiên, kế hoạch nghỉ dưỡng dành cho các nhân viên y tế này sẽ còn phải chờ Nội các Thái Lan phê chuẩn.
Trong một diễn biến khác, theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 27/5, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị một quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) cho kịch bản “bình thường mới” đối với một số lĩnh vực kinh doanh như du lịch, thương mại và giao thông vận tải.
Đối với lĩnh vực du lịch, chính phủ sẽ chỉ định các SOP cho khách sạn và nhà hàng. Do đó, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sẽ có nhiều thay đổi so với trước đại dịch như vấn đề số lượng khách, giờ mở cửa…
Trong lĩnh vực thương mại, chính phủ sẽ có quy định về điều tiết chi tiết hoạt động của các thị trường truyền thống, chợ truyền thống, đặc biệt là những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Ngoài các lĩnh vực trên, ông Airlangga cũng cho biết chính phủ cũng đang chuẩn bị một kịch bản cho các ngành như khai thác, trồng trọt và nông nghiệp trở lại hoạt động. Tuy nhiên, các lĩnh vực này cần có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB).
Trong khi đó, tại Nhật Bản, các chuyên gia phân tích nhận định đại dịch COVID-19 sẽ làm giảm khoảng 2.360 tỷ yen (22 tỷ USD) chi tiêu của du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 8, đồng thời dự báo phải đến mùa Xuân 2021, con số này mới quay lại mức tương đương trước dịch.
Theo Viện nghiên cứu Resona, nếu tính theo lĩnh vực, các hiệu thuốc và cửa hàng bách hóa sẽ giảm 853,2 tỷ yen, đồ nội thất giảm 69,9 tỷ yen, các quán ăn nhà hàng giảm 498,8 tỷ yên và dịch vụ vận tải thiệt hại 240,1 tỷ yên.