Có thể nói, năm 2023 đã phá vỡ mọi kỷ lục về nhiệt độ khi nhiệt độ trung bình hàng năm của hành tinh vượt quá mức tiền công nghiệp (1850-1900) tới 1,45°C. WMO đã nhắc lại dữ liệu được Đài quan sát châu Âu Copernicus cung cấp, kèm cảnh báo rằng trái đất đang tiến gần đến giới hạn +1,5°C, mức nguy hiểm mà Thỏa thuận Paris đặt ra. Trong cảnh báo đưa ra cuối tuần qua, WMO chỉ rõ: “Có đến 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm sẽ vượt mức tiền công nghiệp hơn 1,5°C trong ít nhất một năm từ 2023 đến 2027”.
Người đứng đầu bộ phận giám sát khí hậu và phát triển chính sách tại WMO, ông Omar Baddour cho rằng “nếu các thông số phát thải khí nhà kính không đổi, chúng ta sẽ thấy mức nóng lên sẽ tăng +1,5°C hàng năm vào cuối những năm 2040”.
Những kỷ lục này có thể được giải thích bằng 3 thông số: khối lượng phát thải khí nhà kính, hiện tượng khí hậu El Nino bắt đầu vào mùa Xuân năm 2023 và vụ phun trào núi lửa Tonga ở Thái Bình Dương, đã bắt đầu từ đầu năm 2022, nhưng ảnh hưởng của nó cho đến nay vẫn còn được cảm nhận, đặc biệt là lượng hơi nước khổng lồ thoát ra. Nếu lượng hơi nước nóng này bốc lên và nguội đi ở tầng bình lưu thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Ngay cả đối với những nhà khoa học giàu kinh nghiệm nhất, rất khó để xác định chính xác tỷ lệ góp phần của từng hiện tượng này trong tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng có một điều chắc chắn, hiệu ứng El Nino sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 1 và sẽ tiếp tục cho đến mùa Xuân năm 2024. Thông thường, sau khi đạt đỉnh điểm, hiện tượng này có tác động lớn nhất đến nhiệt độ, khiến các chuyên gia cho rằng năm nay có thể sẽ còn ấm hơn năm trước.
Hiện tượng khí tượng phức tạp này ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên thế giới nhưng có tác động rất trái ngược nhau: “Ở vùng liên nhiệt đới, biểu hiện rất rõ ràng với lượng mưa lớn và nguy cơ lũ lụt mạnh ở Đông Phi. Ngược lại, ở miền Nam châu Phi hoặc Brazil sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng”, chuyên gia Omar Baddour giải thích.
Tác động trái ngược về khí hậu là điều rất đáng lo ngại vì nó sẽ cướp đi sinh mạng của nhiều người và để lại hậu quả kinh tế xã hội khó lường. Thế giới còn chưa quên những thảm họa kỷ lục trong lịch sử, trong đó gần đây nhất là lũ lụt ở Libya sau khi cơn bão Daniel đi qua đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng vào năm ngoái.
Để hạn chế số người thiệt mạng do những hiện tượng khí hậu cực đoan này gây ra, nhiều nước đã phối hợp với WMO và các tổ chức bảo vệ dân sự để lắp đặt dần các hệ thống cảnh báo và đưa vào sử dụng các nơi trú ẩn. Nhưng hiện tại một số nước vẫn thiếu nguồn lực để triển khai các hệ thống này.
Tân Tổng thư ký WMO Celeste Saulo khẳng định: “Hiện tượng El Nino là tự nhiên, đến và đi từ năm này sang năm khác, nhưng biến đổi khí hậu trong thời gian dài đang ngày càng gia tăng do các hoạt động của con người”. Ông kêu gọi thế giới cần nỗ lực hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên toàn cầu cũng như là các hiện tượng thời tiết cực đoan.