CEO của công ty bất động sản thương mại Rising Realty Partners tại Los Angeles – ông Christopher Rising vào tháng 5 nhận định với kênh CBS (Mỹ): “Tôi nhìn thấy sóng thần các khoản nợ đang tới hạn trả”.
Rising Realty Partners đã chi tới 35 triệu USD để cải tạo một tòa nhà tại Los Angeles thành không gian văn phòng. Tuy nhiên, tòa nhà 11 tầng này mới chỉ cho thuê được 2 tầng.
Diễn biến tương tự xảy ra ở nhiều thành phố khác như New York và San Francisco. Chủ sở hữu của trung tâm mua sắm lớn nhất trung tâm thành phố San Francisco đã bỏ rơi nó. Theo đài NPR trong tháng 5, gần 20% các không gian văn phòng tại Mỹ đang để trống.
Nhiều tòa nhà được cấp tài chính dựa trên khoản vay ngân hàng ngắn hạn. Morgan Stanley ước tính rằng các khoản vay tổng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD sẽ đến hạn trả vào cuối năm 2025, tạo nguy cơ dẫn đến làn sóng vỡ nợ.
CEO của công ty đầu tư bất động sản Carroll – ông Patrick Carroll đánh giá: “Tôi cho rằng sẽ có nhiều tình trạng vỡ nợ trong mảng tòa nhà văn phòng”. Ông nhấn mạnh: “Lãi suất tăng, giá trị các tòa nhà văn phòng giảm và họ sẽ không thể vay lại với những tòa nhà này”.
Theo các nhà phân tích, nếu các công ty tiếp tục từ bỏ việc thuê văn phòng và nhu cầu với không gian văn phòng tiếp tục chậm chạp thì chủ sở hữu những công trình này sẽ không thể tích lũy đủ số tiền thuê cần tiết để trả nợ.
Các ngân hàng cũng sẽ chịu tổn thương về viễn cảnh này. Tình trạng vỡ nợ và tịch thu tài sản thế chấp sẽ gây chao đảo hệ thống ngân hàng Mỹ. Khoản 1,2 nghìn tỷ USD nợ thuộc các ngân hàng khu vực nhỏ, vốn là nhóm đã “điêu đứng” trong thời gian qua bởi người gửi tiền chuyển đến ngân hàng lớn hơn sau vụ việc của ngân hàng SVB và Signature Bank.
Và khi tình hình trầm trọng hơn, nó sẽ tác động đến một số thành phố khi họ phải đối mặt với các tòa nhà văn phòng trống và doanh thu thuế bất động sản giảm.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), ngay cả khi thị trường chứng khoán phục hồi và các nhà đầu tư hy vọng rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh sẽ giảm dần, thì rắc rối về bất động sản có thể tác động trong nhiều năm.
Tại Mỹ, một số công ty như Apple, Starbucks, Amazon… đã đề nghị nhân viên đến làm việc tại văn phòng 3 ngày/tuần.