Nắm bắt xu hướng trên, công ty AI của Hàn Quốc mang tên Pulse9 đang nỗ lực biến giấc mơ của các doanh nghiệp thành hiện thực khi tạo ra các "công dân AI", hỗ trợ con người.
Zaein là một trong số những thành quả như vậy. Với khuôn mặt được tạo ra bằng deepfake - công nghệ tạo ra các hình ảnh, video giả dựa trên khuôn mẫu có thật và tỷ lệ cơ thể khớp với người thực, Zaein có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau như ca hát, đọc bản tin thời sự và giới thiệu sản phẩm sang trọng trên sóng truyền hình. Dựa trên công nghệ deepfake, Zaein được tạo nên từ việc tổng hợp đặc điểm ngoại hình của 10 nhân vật thực ngoài đời, sở hữu tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí và truyền thông. Giám đốc điều hành (CEO) của Pulse9, bà Park Ji-eun, cho biết điều này khiến Zaein trở nên rất "đặc biệt". Tuy nhiên, Pulse9 không tiết lộ danh tính và khuôn mặt của 10 nhân vật này mà công nghệ deepfake dựa vào đó để tạo ra Zaein.
Cho đến nay, Pulse9 đã tạo ra những "công dân AI" nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của một số tập đoàn lớn nhất ở Hàn Quốc, trong đó có Shinsegae - một trong những tập đoàn chuyên phân phối mặt hàng xa xỉ, đồ hiệu lớn nhất của nước này. Nghiên cứu cho thấy nhu cầu của thị trường toàn cầu đối với "công dân AI" chân thực như con người đang ngày một lớn và có thể đạt giá trị thị trường khoảng 527 tỷ USD vào năm 2030.
Pulse9 cho biết đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu. Theo bà Park Ji-eun, công ty đang nghiên cứu phát triển công nghệ để mở rộng việc sử dụng AI để tạo ra người ảo. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh về cơ bản người ảo có khả năng thực hiện phần lớn hoạt động của người thật, song công nghệ AI hiện nay vẫn rất cần con người trong nhiều lĩnh vực.
Nhu cầu tạo ra các "công dân AI" khởi nguồn từ ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (K-pop), với mong muốn tạo ra những nghệ sĩ ảo, cũng chính là thần tượng ảo, không vướng vào các bê bối và có thể làm việc 24/7. Tuy nhiên, Pulse9 đã và đang nỗ lực để chứng tỏ "người ảo" không chỉ đảm nhiệm vai trò là thần tượng ảo của công chúng mà còn là đồng nghiệp và bạn bè của con người.
Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, giới chuyên gia đã có những cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển của AI, nhất là sau khi công cụ trò chuyện ChatGPT sử dụng AI được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022.
Một số quốc gia đang tìm cách xây dựng các quy định về trách nhiệm pháp lý và vấn đề đạo đức để quản lý AI. Cùng chung quan điểm trên, bà Park Ji-eun cho rằng một khi Hàn Quốc cũng như các nước khác trên thế giới áp dụng những quy định quản lý AI thì công nghệ này có thể giúp làm phong phú cuộc sống.