Dẫn một nghiên cứu mới do Đại học Fudan (Thượng Hải) thực hiện, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết trong một số trường hợp, kháng thể được sản sinh trong hệ miễn dịch để đối phó với virus, vi khuẩn có thể làm tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng hơn.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Fudan phát hiện một vài trong số 222 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có các kháng thể cụ giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào miễn dịch. Chúng có mặt ở 8% những người có các triệu chứng nhẹ và 76% những người đã qua khỏi giai đoạn nguy kịch.
Vấn đề trên được xác định là hiện tượng tăng nặng bệnh lý phụ thuộc vào kháng thể (ADE), có thể đảo ngược quy trình chữa bệnh. Thay vì kiểm soát và tiêu diệt virus, hệ miễn nhiễm vô tình trợ giúp mầm bệnh. Hiện tượng này trước đây được tìm thấy tại một số bệnh nhân nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết…
Trong một bài viết đăng trên trang medRxiv.org ngày 13/10, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Huang Jinghe dẫn đầu cho biết: “Nguy cơ xảy ra phản ứng ADE là mối lo ngại trong việc sử dụng huyết tương hoặc kháng thể để điều trị cho bệnh nhân COVID-19”.
Công bố kết quả nghiên cứu được đưa ra cùng ngày nhà sản xuất thuốc Eli Lilly của Mỹ đã ngưng thử nghiệm lâm sàng một liệu pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể vì “nguy cơ an toàn”.
Đầu tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giới thiệu một phương pháp điều trị bằng kháng thể của công ty công nghệ sinh học Regeneron. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố liệu pháp này đã chữa trị cho ông khỏi COVID-19. Ông được kê đơn uống một liều kháng thể tổng hợp và các bác sĩ cho biết các triệu chứng của ông nhanh chóng biến mất sau khi uống thuốc.
Nhóm của Tiến sĩ Huang nhận thấy hiện tượng ADE có xu hướng xảy ra khi mức kháng thể trong máu tương đối thấp. Ở những bệnh nhân có một lượng lớn kháng thể, hệ miễn dịch đã thành công vô hiệu hóa virus.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định kháng thể có nguy cơ cao được tìm thấy trong cơ thể bệnh nhân COVID-19 được gọi là 7F3. Họ cho biết sau khi liên kết với virus SARS-CoV-2, 7F3 có thể khiến vỏ virus và màng tế bào "hợp nhất" thông qua một thụ thể được gọi là Fc trên các tế bào miễn dịch.
Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi các nhà phát triển vaccine đánh giá xem liệu các mũi tiêm thử nghiệm của họ có thể khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể như 7F3 hay không. Họ lưu ý khả năng có các kháng thể khác xảy ra hiện tượng ADE vẫn chưa được xác định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 100 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hai cuộc thử nghiệm lâm sàng gần đây đã bị hoãn do lo ngại về tính an toàn. Các bác sĩ đã báo cáo những tác động tiêu cực của kháng thể đối với một số bệnh nhân mắc COVID-19 biểu hiện nặng. Tình trạng của họ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi hệ miễn dịch bắt đầu sản xuất kháng thể chống lại virus.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Huang cho hay các ứng viên vaccine có khả năng tạo ra kháng thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 cũng cần được đánh giá về nguy cơ gây ra ADE. Họ cũng lưu ý đảm bảo về mức độ an toàn cần được chứng nhận trước khi thực hiện chương trình tiêm chủng diện rộng.