Khai mạc Olympic Tokyo 2020 - Kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử

Olympic Tokyo 2020, được tổ chức vào năm 2021, có lẽ là kỳ Thế vận hội kỳ lạ và đặc biệt nhất trong lịch sử, diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới và ngay tại nước chủ nhà Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Thế vận hội 2020 diễn ra giữa thách thức đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Sau một năm trì hoãn cùng nhiều tranh cãi, lễ khai mạc Olympics Tokyo cuối cùng sẽ diễn ra như dự kiến, vào lúc 20h00 ngày 23/7 theo giờ Nhật Bản, tức 18h00 cùng ngày giờ Việt Nam. Sự kiện được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Tokyo, chính thức mở màn các cuộc tranh tài của kỳ Thế vận hội mùa Hè đặc biệt nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Lễ khai mạc sẽ kéo dài 3 giờ 30 phút, dài hơn so với kế hoạch ban đầu 30 phút nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện giãn cách. Số lượng thành viên các đoàn góp mặt cũng hạn chế hơn so với các kỳ Thế vận hội trước. Các báo cáo cho thấy chỉ 6.000 trong số trên 11.000 vận động viên tham dự lễ khai mạc. 

Theo thông báo từ Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato, Nhật hoàng Naruhito sẽ là người tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo 2020 và cũng là thành viên Hoàng gia duy nhất có mặt. 

Khoảng 15 nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự buổi lễ, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene, Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden… Đây cũng là chuyến công du quốc tế một mình đầu tiên của bà Jill Biden trên cương vị Đệ nhất phu nhân Mỹ.

Chú thích ảnh
Sân vận động Quốc gia ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Trưởng Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, bà Seiko Hashimoto, hôm 20/7 cho biết, Lễ khai mạc sẽ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm thay vì hào nhoáng. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID càn quét khắp thế giới, gây nhiều đau thương cho nhân loại, khẩu hiệu của kỳ Thế vận hội này cũng vừa được sửa đổi, như một lời nhắc nhở về tinh thần đoàn kết trong thử thách toàn cầu. Theo đó, khẩu hiệu truyền thống sẽ được bổ sung thêm từ “Cùng nhau”, trở thành “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn – Cùng nhau”.

"Bóng ma" COVID-19

Tuy vậy, trước khi các vận động viên bắt đầu tranh giành các vị trí trên bục vinh quang, trước khi mơ về việc phá vỡ các kỷ lục, họ sẽ được chứng kiến những cảnh tượng khác lạ nhất với một kỳ Thế vận hội. Để đảm bảo an toàn trước đại dịch, Nhật Bản đã quyết định không mở cửa cho khán giả tới xem trực tiếp các cuộc thi đấu.

Ban tổ chức cũng áp dụng các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất: Các huấn luyện viên, vận động viên được xét nghiệm COVID-19 hàng ngày; hoạt động tại Làng vận động viên phải tuân thủ nguyên tắc “bong bóng”; các vận động viên đoạt giải tự đeo huy chương lấy từ khay đã bày sẵn; những cái ôm, bắt tay chúc mừng đều bị cấm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus.

Chú thích ảnh
 Nhật Bản tăng cường tối đa các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho Thế vận hội 2020. Ảnh: AP

Từ nhiều tháng trước, Nhật Bản đã quyết định không cho phép khán giả quốc tế dự khán các trận tranh tài ở Tokyo. Tiếp đó, thủ đô Nhật Bản được đặt trong tình trạng khẩn cấp khi ca lây nhiễm tăng trở lại, dẫn đến quyết định cấm cả người hâm mộ địa phương theo dõi trực tiếp tại các điểm thi đấu. 

Ngay trước thềm khai mạc Thế vận hội Tokyo, Ban tổ chức hôm 22/7 cũng thông báo đã cách chức Tổng đạo diễn của Lễ khai mạc Olympic 2020, Seiko Hashimoto sau khi xuất hiện những cảnh quay cho thấy ông này đùa cợt về thảm hoạ diệt chủng người Do thái (Holocaust) trong một vở hài kịch từ năm 1998.

Lễ khai mạc diễn ra ngày 23/7 sẽ chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về việc liệu Thế vận hội có thể diễn ra hay không. "Các cuộc thăm dò gần đây liên tục cho thấy 60 đến 80% công chúng Nhật Bản phản đối tổ chức Thế vận hội vào thời điểm này", Satoko Itani, Phó giáo sư về thể thao, giới tính tại Đại học Kansai, Nhật Bản, phát biểu với CNN, "Mối quan tâm chính của họ là COVID-19”.

Tuy nhiên, với những biện pháp phòng dịch tối đa, Ban tổ chức Olympic Tokyo và Chính phủ Nhật Bản vẫn tin tưởng vào một kỳ Thế vận hội thành công, mang lại nguồn động lực tinh thần cho thế giới trước cơn sóng thần COVID-19.

Chú thích ảnh
Các vận động viên khi tới sân bay quốc tế Narita trước Thế vận hội. Ảnh: Reuters

Chủ tịch IOC Thomas Bach kêu gọi công chúng tin tưởng vào "các biện pháp nghiêm ngặt phòng COVID-19" của Ban tổ chức. Sau tất cả những khó khăn mà Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã phải đối mặt để tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh đại dịch, Chủ tịch Thomas Bach tin rằng “sẽ là một khoảnh khắc vui mừng và nhẹ nhõm khi bước vào sân vận động”.

"Một khoảnh khắc đặc biệt vui mừng đối với các vận động viên vì tôi biết họ khao khát khoảnh khắc này đến nhường nào. Cuối cùng họ cũng có thể ở đó và tận hưởng khoảnh khắc này trong những hoàn cảnh rất đặc biệt. Và một cảm giác nhẹ nhõm vì con đường đến với Lễ Khai mạc không phải là con đường dễ dàng nhất”, ông Bach phát biểu trong một cuộc họp báo.

Chú thích ảnh

Tuy vậy, không thể phủ nhật thực tế là làn sóng COVID-19 gia tăng trở lại do biến thể Delta đang gây nhiều lo lắng với kỳ Thế vận hội này. Ngày 22/7, Ban tổ chức đã ghi nhận thêm 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan Thế vận hội Tokyo, trong đó có 3 vận động viên đang lưu trú tại Làng Vận động viên, nâng tổng số ca mắc COVID-19 liên quan Olympics kể từ ngày 1/7 đến nay lên 87 người. 

Các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo con số mắc COVID-19 mới còn tăng hơn nữa vào tuần tới khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ dài 4 ngày từ ngày 22/7 và mật độ người dân tại Tokyo gia tăng cùng với các hoạt động liên quan đến Olympic.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Olympic Tokyo 2020: Người dân Nhật Bản muốn gửi gắm thông điệp tới thế giới
Olympic Tokyo 2020: Người dân Nhật Bản muốn gửi gắm thông điệp tới thế giới

Tháng 9/2013, Nhật Bản như vỡ òa sau khi thủ đô Tokyo giành được quyền đăng cai Olympic và Paralympic 2020. Kể từ đó tới nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị do sự bùng phát của dịch bệnh nhưng Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức thế vận hội mùa Hè này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN