Đây là lần đầu tiên một quốc gia Arab đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự và sẽ phát biểu tại phiên thảo luận với các chủ đề vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, phát triển bao trùm và có khả năng chống chịu.
Trong hai ngày họp, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp này.
Các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến khi các nỗ lực quốc tế đang được thúc đẩy nhằm triển khai vaccine tiềm năng chống đại dịch COVID-19 trên quy mô lớn sau khi đạt được đột phá trong các cuộc thử nghiệm, và khi những hối thúc đang ngày càng mạnh mẽ hơn đối với những quốc gia G20 về việc bổ sung 4,5 tỷ USD đang bị thiếu hụt trong chương trình hợp tác toàn cầu mang tên "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19" (ACT-Accelerator).
Hội nghị thượng đỉnh G20 vốn thường được xem là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19 sự kiện quan trọng này lại được rút gọn thành các phiên họp trực tuyến thời lượng ngắn, mà một số nhà quan sát gọi là "ngoại giao kỹ thuật số". Do không thể chụp "bức ảnh gia đình" theo như truyền thống, nên tại buổi dạ tiệc, nước chủ nhà sẽ chiếu một bức ảnh tập thể của các nhà lãnh đạo G20 cỡ lớn, phủ lên những di tích lịch sử tại thị trấn danh thắng Diriyah ở gần thủ đô Riyadh.
Các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đồng thời đã "bơm" 11.000 tỷ USD để "bảo vệ" nền kinh tế thế giới trước sự tấn công của dịch bệnh nói trên.