Theo tờ Bloomberg, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, một số người có thể thiệt hại nặng nề. Còn với những nhà đầu tư dài hạn, đây chính là cơ hội để mua một góc thiên đường giá rẻ.
Khu nghỉ dưỡng 50 biệt thự Balangan Wave đang xây dựng gần bãi biển lướt sóng cùng tên nổi tiếng đã được rao bán trên thị trường. Chủ khu nghỉ dưỡng, ông Michael Halim, đã mời chào với giá 9 triệu USD, giảm mạnh so với mức giá 17 triệu USD mà ông đưa ra hồi tháng 5.
Ông Halim nói: “Trên thị trường hiện tại, người ta không thể tránh được việc bán lỗ. Doanh nghiệp đóng cửa, chúng tôi gặp vấn đề về dòng tiền”.
Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch quốc tế đình trệ, gây thiệt hại nặng cho các điểm nóng du lịch từ Hawaii ở Mỹ cho tới Phuket ở Thái Lan. Tuy nhiên, không có nơi nào dễ bị tổn thương hơn Bali.
Du lịch chiếm hơn 60% nền kinh tế hòn đảo, tạo việc làm cho tất cả: từ đầu bếp, người lau dọn tại các khu nghỉ dưỡng 5 sao, cho tới hướng dẫn viên du lịch và lái xe tự phát.
Năm 2019, Bali đón kỷ lục 6,2 triệu du khách. Năm nay, số du khách giảm 22% xuống 1,04 triệu trong quý đầu tiên, ngay cả trước khi dịch đạt đỉnh. Giờ đây, các địa điểm ở Bali đều đìu hiu, vắng bóng người.
Trong khi các chuỗi khách sạn toàn cầu lớn như Marriott hay Hilton có đủ tiềm lực tài chính để trụ trong đại dịch thì các khách sạn nhỏ với ngân sách eo hẹp đang chật vật sống sót.
Theo công ty bất động sản Indonesia Galaxy Kuta, số lượng khách sạn bị rao bán ở Bali đã tăng 30% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Ông Chandran V. R, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Cosmopolitan ở Singapore và đang phụ trách bán Balangan Wave, nói: “Đây là thời điểm tốt để mua vào. Bali sẽ trở lại bình thường. Khi điều đó xảy ra, giá cả sẽ lại tăng vọt”.
Cũng giống Balangan Wave, khách sạn hai sao POP! Hotel Teuku Umar ở Denpasar cũng đang tìm người mua. Với nội thất và khung cửa sổ neon bắt mắt, khách sạn 140 phòng này được rao bán với giá 7,7 triệu USD hồi tháng 5.
Chỉ cách bãi biển Kuta và Seminyak 30 phút đi taxi, giá phòng chỉ từ 14 USD/đêm, khách sạn rất nổi tiếng với khách du lịch bụi. Giờ đây thì không như vậy nữa.
Ông Meirrina Rajianto, nhân viên công ty Galaxay Kuta và phụ trách bán khách sạn này, nói: “Khách sạn không có thu nhập nào cả mà vẫn phải trả chi phí bảo dưỡng. Chủ đã quyết định bán còn hơn là mất thêm tiền”.
Trước đại dịch, hoạt động mua bán khách sạn ở châu Á-Thái Bình Dương đều ở mức cao kỷ lục nhờ các quỹ bất động sản nhiều tiền và những người giàu có.
Trong số những tổ chức bị Bali thu hút có Trump Organization, tập đoàn đã ký thỏa thuận năm 2015 để cho một khách sạn và một câu lạc bộ golf trên đảo mượn tên.
Ông Corey Hamabata, Phó chủ tịch cấp cao của tập đoàn khách sạn JLL ở Hong Kong, cho rằng người mua có thể vẫn tích cực trước nhiều cơ hội mua tài sản giảm giá. Ông nhận định đa số người mua sẽ bị thu hút bởi ba yếu tố: giá giảm, mua để cải tạo hoặc mua ở vị trí chiến lược để xây dựng thương hiệu.
Với một số khách sạn, triển vọng thị trường du lịch nội địa gia tăng ở Indonesia – đất nước đông dân thứ tư thế giới – có thể cũng giúp họ cầm cự cho tới khi du khách toàn cầu trở lại. Số chuyến đi nội địa tăng từ 270 triệu năm 2017 lên 303 triệu năm 2018.
Dù Bali khống chế dịch thành công ban đầu, nhưng đang chứng kiến số ca mắc tăng lên hơn 1.400 với 13 ca tử vong. Trong khi đó, Indonesia đã có trên 55.000 ca mắc COVID-19 và trên 2.800 người chết – các con số cao nhất Đông Nam Á.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế Bali. Theo chiến lược ba bước, du khách nội địa được sẽ được trở lại Bali vào tháng 8, còn du khách quốc tế được chào đón vào tháng 9 nếu mọi thứ thuận lợi.
Nhưng cho dù trong kịch bản tốt nhất thì Bali cũng không thể thấy du khách quốc tế ùn ùn kéo tới.
Australia - nguồn du khách lớn nhất của Bali - có thể đóng biên giới tới tận năm sau. Chính phủ Singapore cho biết chỉ cho phép người dân ra nước ngoài nếu cần thiết.
Tình trạng này khiến đầu tư vào Bali trở thành canh bạc rủi ro. Hòn đảo rộng 5.780km2 có trên 4.300 khách sạn. Cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều chủ khách sạn kiệt quệ ngay cả khi chưa có đại dịch.