“Trước khi tháng 5 kết thúc, tôi dự định tổ chức đối thoại chi tiết về quan hệ hợp tác với các đối tác Trung Quốc theo hướng này”, ông Rogozin trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS ngày 29/4.
Tháng 3/2021, ông Rogozin và Giám đốc Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc Zhang Kejian đã ký một biên bản ghi nhớ và hợp tác trong việc xây dựng một trạm Mặt Trăng quốc tế.
Tháng 11/2017, Roscosmos và CNSA ký kết một chương trình hợp tác không gian trong giai đoạn 2018-2022. Chương trình hợp tác bao gồm 6 lĩnh vực: nghiên cứu về Mặt Trăng và không gian sâu; nghiên cứu không gian và các công nghệ liên quan; vệ tinh và cách sử dụng; cơ sở thành phần và vật liệu; tương tác trên dữ liệu viễn thám của Trái đất và các vấn đề khác. Các nhóm làm việc đã được thành lập để thực hiện các dự án trong chương trình này.
Vào đầu tháng 4, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tuyên bố ngừng hợp tác với Nga trong ba sứ mệnh Mặt trăng – Luna 25, 26 và 27. Trong một tuyên bố chính thức, ESA cho biết họ đang chuyển hướng các chương trình không gian vì chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. ESA nói họ đang tìm cách hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và các công ty tư nhân để tiếp tục triển khai các sứ mệnh.
ESA cũng xác nhận ngừng hợp tác với Roscosmos liên quan đến sứ mệnh khám phá Sao Hỏa. Sứ mệnh nhằm triển khai một xe tự hành trên bề mặt Sao Hỏa và khoan vào bề mặt của hành tinh này để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Trước loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Roscosmos, ông Rogozin khẳng định châu Âu sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Rogozin, phương Tây cuối cùng vẫn sẽ phải nối lại hợp tác về không gian với Moskva, song phải đáp ứng được những điều kiện do Nga đưa ra. Nhiều nước trên thế giới đã từng đàm phán với Nga về việc đưa công dân nước mình bay vào không gian bằng tàu vũ trụ của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Roscosmos sẽ tiến hành các chuyến bay có người lái đưa các phi hành gia người Belarus lên vũ trụ.