Khả năng hình thành 'Tiểu NATO' từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Các quốc gia châu Âu đang sử dụng nhiều thể thức đối thoại để xoa dịu căng thẳng Ukraine và đàm phán theo thể thức Normandy tại Paris (Pháp) là một trong số này. Gần đây, Thủ tướng Anh còn gợi ý thành lập hiệp ước quân sự mới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) bắt tay người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki tại một cuộc họp báo chung ở Warsaw ngày 10/2. Ảnh: AP

Quốc hội Ukraine trong thời gian qua xảy ra cảnh tượng hiếm gặp. Một nhóm các đaị diện tập trung xung quanh bục phát biểu và giơ cao cờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng các nước đồng minh trước máy quay.

Đây là hành động thể hiện sự biết ơn với ủng hộ của nước ngoài trong căng thẳng hiện nay giữa Ukraine và Nga. Lá cờ Anh được treo trên đường phố thủ đô Ukraine khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đến thăm Kiev vào đầu tháng 2.

Chính phủ Anh đã cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí chống tăng trong những tuần gần đây và quân đội Anh cũng đang giúp huấn luyện các binh sĩ Ukraine. Nhà lãnh đạo Anh còn nắm giữ khả năng hỗ trợ tài chính lên tới 100 triệu euro cho Kiev. Ngoài ra, ông Johnson còn bàn luận đề xuất khác với giới lãnh đạo Ukraine: đó là một hiệp ước quân sự giữa Anh, Ba Lan cùng Ukraine.

Giấc mơ về tiểu NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gọi “liên minh nhỏ” này là “dấu hiệu của hy vọng”. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lý giải mục tiêu chính của liên minh là củng cố vành đai an ninh và tăng cường trục Baltic-Biển Đen. Điều này ám chỉ sự hiện diện của Hải quân Ba Lan ở Biển Baltic và lực lượng Anh tại Biển Đen. Ngoại trưởng Kuleba nêu rõ: “Chúng tôi không thể chờ đợi an ninh và thịnh vượng ở một thời điểm trong tương lai, khi trở thành thành viên của EU và NATO. Chúng tôi cần điều đó ngay bây giờ”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko coi Ba Lan và Anh là đối tác chiến lược đáng tin cậy nhất của Ukraine ở thời điểm này. Ông Merezhko nhận định: “Có lẽ cũng nên suy nghĩ về việc thành lập một loại tiểu NATO. Điều này có thể khả thi, đặc biệt là vì Anh là một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Âu, mặc dù nước này không phải là thành viên của EU”.

Tuy nhiên, truyền thông Anh lại có quan điểm ngờ vực về hiệp ước quân sự được đề xuất. Tờ Guardian đánh giá Thủ tướng Johnson muốn chứng minh ông có thể phô bày “tài chính trị” trong khủng hoảng Ukraine để phản kháng lại các chỉ trích ở quê nhà.

Nhưng giảng viên Hans-Dieter Heumann tại Đại học Bonn (Đức) cho rằng đề xuất của Thủ tướng Johnson về hiệp ước quân sự mới không chỉ lấy động lực từ chính trị nội địa. Ông Hans-Dieter Heumann nhận xét: “Khó có khả năng hình thành liên minh chính thức. Điều chúng ta thấy là nỗ lực của Thủ tướng Johnson để chứng minh tuyên bố của Anh về ‘nước Anh toàn cầu’”.

Chú thích ảnh
Thành viên của đơn vị quân sự tình nguyện Ukraine tham gia huấn luyện tại Kiev. Ảnh: AP

Ba Lan muốn trở thành đối tác

Không chỉ có Anh, Ba Lan cũng có nhu cầu “liên quan” đến tình hình Ukraine. Warsaw là thành viên trong NATO và EU thân thiết nhất với Kiev. DW đánh giá giới lãnh đạo Ba Lan có xu hướng ủng hộ Ukraine.

Nhưng chính phủ Ba Lan cũng rõ ràng về giới hạn đối với hiệp ước quân sự được đề xuất. Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Waldemar Skrzypczak nhận định: “Ba Lan không có lợi ích gì khi tự mình thực hiện các hành động. Sức mạnh của chúng ta nằm trong NATO. Nếu cần đưa quân đến Ukraine, chúng ta sẽ thực hiện với sự chấp thuận của NATO”.

Cơ hội cho thể thức Normandy

Ông Hans-Dieter Heumann không tin rằng liên minh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong xử lý khủng hoảng. Ông Hans-Dieter Heumann cho rằng “mini NATO” mà một số chính khách Ukraine kỳ vọng có thể chỉ là ảo tưởng. Theo ông, sẽ khó có liên minh mới ở ngoài NATO bởi khối quân sự ở thời điểm này được gắn kết mạnh mẽ.

Hiện nay, dường như câu hỏi chiến lược quan ngại về an ninh châu Âu sẽ được quyết định song phương bởi Mỹ và Nga. Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan sẽ phát huy ảnh hưởng qua NATO.

Nhưng ông Heumann tin rằng thể thức Normandy với các nhà đàm phán hợp tác để tìm ra giải pháp sẽ thu được tiến triển cho người dân tại Ukraine và khu vực Donbass.

Hà Linh/Báo Tin tức
Vì sao Mỹ chưa trừng phạt Nga dù Tổng thống Ukraine hối thúc
Vì sao Mỹ chưa trừng phạt Nga dù Tổng thống Ukraine hối thúc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 20/1 đã từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt vào Nga dù phía Ukraine lên tiếng kêu gọi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN