Johnson & Johnson đối diện với cáo buộc gian lận nhằm né tránh kiện tụng

Ngày 22/5, một nhóm các nạn nhân bị ung thư đã kiện tập đoàn Johnson & Johnson (J&J) gian lận, khi nhiều lần tìm cách sử dụng chiến lược phá sản để giải quyết hàng nghìn cáo buộc sản phẩm chứa bột talc của hãng có chứa amiăng và gây ung thư.

Chú thích ảnh
Biểu tượng hãng dược phẩm Johnson & Johnson tại Irvine, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

5 nguyên đơn đại diện cho hơn 50.000 người khởi kiện về sản phẩm chứa bột talc đã nộp đơn kiện tập thể lên tòa án liên bang New Jersey. Họ cáo buộc J&J đã sử dụng chiến lược phá sản để ngăn các nạn nhân nhận tiền bồi thường. Luật sư Mike Papantonio đại diện cho các nạn nhân ung thư nhấn mạnh J&J đã tìm cách "qua mặt" hệ thống tài chính và tư pháp Mỹ.

Phó Chủ tịch pháp lý toàn cầu của J&J Erik Haas cho rằng luật sư của nguyên đơn không muốn thân chủ chấp thuận phương án giải quyết mới nhất của công ty, đồng thời khẳng định J&J vẫn chú trọng việc đạt được phương án giải quyết hiệu quả, công bằng cho vụ kiện. 

Phần lớn các vụ kiện về sản phẩm chứa bột talc đều có nguyên đơn là phụ nữ bị ung thư buồng trứng, trong khi một số khác là những người bị ung thư trung biểu mô - căn bệnh ung thư chết người có liên quan đến việc phơi nhiễm chất amiăng. J&J khẳng định phấn rôm trẻ em và các sản phẩm chứa bột talc khác của hãng an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư. Để dàn xếp vụ việc, J&J đã sử dụng chiến lược chuyển các khoản nợ liên quan đến phấn rôm sang một công ty con mới, sau đó công ty con này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2021. Điều này đã ngăn các vụ kiện chống lại J&J tiến triển. Tuy nhiên, chiến lược này và những biện pháp tương tự của J&J  đều thất bại vì các tòa án ra phán quyết rằng J&J và công ty con không gặp khó khăn về tài chính nên không đủ điều kiện để xin phá sản. Các vụ kiện chống lại J&J hiện đã nối lại sau khi tòa án bác đơn xin bảo hộ phá sản thứ hai của hãng. 

Vào ngày 1/5, J&J  tuyên bố có kế hoạch nộp đơn xin bảo hộ phá sản lần thứ ba, sau khi nhận được đủ sự ủng hộ của nguyên đơn đối với phương án chi 6,48 tỷ USD để dàn xếp cho các vụ kiện liên quan đến phấn rôm. J&J khẳng định kế hoạch mới nhất có sự khác biệt do hãng sẽ nhận được sự ủng hộ của hơn 75% số nguyên đơn có khiếu nại liên quan đến phấn rôm. Công ty đã đơn giản hóa thủ tục phá sản thứ ba bằng cách đạt được các thỏa thuận riêng rẽ với các công ty luật đại diện cho những người mắc ung thư trung biểu mô, cũng như các bang cáo buộc công ty không cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ của sản phẩm chứa bột talc.

Trong vụ kiện mới nhất, các nguyên đơn hy vọng tòa án sẽ kết luận hành vi trên của J&J là gian lận, khi chỉ nhằm mục đích bảo toàn tài sản của hãng khỏi vụ kiện liên quan sản phẩm chứa bột talc.

Đặng Ánh (TTXVN)
WHO: Siro ho nhiễm độc của Johnson & Johnson không còn được bán ở châu Phi
WHO: Siro ho nhiễm độc của Johnson & Johnson không còn được bán ở châu Phi

Ngày 22/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết lô siro ho trẻ em bị nhiễm độc mang nhãn hiệu Benylin Paediatric đã không còn được bán tại các nước châu Phi. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN