Washington kết luận rằng để phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, Ukraine cần tới các chuyên gia nước ngoài. Và Mỹ đã phái các chuyên gia Cục điều tra liên bang (FBI), Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp tới Ukraine.
Hãng Itar-Tass (Nga) dẫn một nguồn tin cho biết mục đích là nhằm đảm bảo hoạt động của các cơ quan Chính phủ Ukraine về an ninh, thực thi luật pháp, nội vụ và quan hệ quốc tế, vì ban lãnh đạo Ukraine không thể tự tổ chức các hoạt động này. Nguồn tin trong Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nhấn mạnh sự "đổ bộ" của người Mỹ là do các cơ quan an ninh Ukraine không thể thu thập thông tin tình báo tại miền Đông Nam nước này. Kết quả là hoạt động tình báo tại khu vực này do các tùy viên quân sự Mỹ ở Ukraine, sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao, tiến hành.
Một binh lính Ukraine chĩa súng vào người biểu tình ủng hộ Nga trước sân bay Kramatorsk hôm 15/4. Ảnh: Reuters |
Nhân viên SBU này cũng lưu ý rằng đội quân thường trực của Ukraine đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu vô cùng thấp và không đáng tin cậy đối với chính quyền mới. Vì thế, Mỹ khuyến cáo lãnh đạo Ukraine tiến hành “chiến dịch chống khủng bố” với các đơn vị quân đội chỉ bao vây vòng ngoài các điểm dân cư ở miền Đông Nam. Việc càn quét thành phố và thị trấn sẽ do chiến binh thuộc Đảng Pravyi Sector và các tổ chức dân tộc khác, mặc quân phục, thực hiện.
Mỹ ngày 14/4 xác nhận Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã tới Kiev cuối tuần trước. Mục đích chuyến thăm không được tiết lộ. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với Brennan, quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchinov đã quyết định tiến hành "chiến dịch chống khủng bố" ở miền Đông.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 15/4 Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết ê kíp an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga do Moskva tiếp tục can thiệp vào Ukraine.
Theo người phát ngôn này, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không được công bố trước cuộc gặp ngày 17/4 tại Geneva (Thụy Sỹ) giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các ngoại trưởng Liên minh châu Âu để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng có chiều hướng leo thang nguy hiểm tại Ukraine.
Tháng trước, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh hành chính cấm ra vào Mỹ đối với một loạt quan chức cấp cao của Nga, đồng thời hạn chế các giao dịch tài chính với một số tập đoàn kinh tế của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng.
Trong khi đó, theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Mỹ cũng đang phối hợp với các đồng minh châu Âu về “những bước đi bổ sung” để áp đặt thêm trừng phạt đối với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo bà Jen Psaki, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với những người đồng cấp Pháp, Đức và Anh để bàn về vấn đề này ngày 15/4.
TN