Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong vòng 24h qua, nước này đã ghi nhận thêm 601 nạn nhân thiệt mạng vì viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Tính tới nay, quốc gia Nam Âu này đã có 6.077 người tử vong vì mắc COVID-19, nhiều gần gấp đôi số nạn nhân tại Trung Quốc, nơi bùng phát đại dịch hồi tháng 12/2019 và tới thời điểm này có 3.270 ca tử vong.
Cùng trong ngày 23/3, Italy ghi nhận thêm 4.789 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 63.927, trong đó có trên 3.200 trường hợp đang được điều trị tích cực.
Italy tiếp tục là "tâm dịch" tại châu Âu và là quốc gia có số người mắc bệnh cũng như tử vong cao nhất thế giới ngoài Trung Quốc Đại lục. Tính tới sáng 24/3, tổng số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại các nước châu Âu đã vượt 10.000, trong đó 3 quốc gia bị dịch bệnh tấn công mạnh nhất là Italy (6.077 ca tử vong), Tây Ban Nha (2.207 ca) và Pháp (860 ca).
Tuy nhiên, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, nước này đã nhìn thấy tia sáng hy vọng và tín hiệu tích cực trong thảm kịch COVID-19 làm chao đảo "quốc gia hình chiếc ủng", khi số người thiệt mạng và nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đang có xu hướng giảm trong ngày thứ hai liên tiếp. Đặc biệt tại Milan, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, số ca mắc bệnh mới đang chững lại.
Dù vẫn còn quá sớm để đánh giá Italy đã qua đỉnh dịch, song mức tăng về số ca nhiễm và ca tử vong mới đều thấp hơn một ngày trước đó và giới chức hy vọng các biện pháp phong tỏa đang có tác dụng. Trong ngày 22/3, Italy cũng ghi nhận 5.560 ca nhiễm mới (giảm 15% so với một ngày trước) và thêm 651 ca tử vong (giảm 18% so với 1 ngày trước).
Ngày 23/3, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo nước này có khả năng bước vào giai đoạn "nền kinh tế thời chiến" sau khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Phát biểu trên Radio Capital, Chủ tịch Confindustria ước tính nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng.
Theo ông Boccia, chỉ 20-30% hoạt động sản xuất thiết yếu được duy trì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến”. Tuy nhiên, ông Boccia khẳng định Italy phải chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, chưa xét đến sự hồi sinh của nền kinh tế.
Chủ tịch Confindustria đề xuất Chính phủ Italy mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng, cho phép các công ty có thanh khoản ngắn hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như cần có hành động hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi. Hành động của chính phủ là để đảm bảo khi dịch bệnh kết thúc, các công ty mở cửa trở lại và mọi hoạt động sẽ dần trở lại bình thường.