Italy không tiếp nhận khách du lịch từ Singapore và Brunei

Ngày 15/12, Bộ Y tế Italy đã đưa Singapore và Brunei vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn. Theo đó kể từ ngày 16/12, cư dân hai quốc gia Đông Nam Á này không được đến Italy để du lịch, mà chỉ được đến để làm việc, học tập, chữa bệnh hoặc về nhà.

Chú thích ảnh
 Khách thăm quan đấu trường Colosseum ở Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, các trường hợp cụ thể có thể được miễn trừ, chẳng hạn như nếu khách du lịch là công dân của một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hoặc có đối tác lưu trú tại Italy. Những người được phép nhập cảnh phải tự cách ly trong 10 ngày tại một địa chỉ đã khai báo. Du khách từ Singapore vẫn có thể quá cảnh qua các sân bay của Italy để đến các điểm đến khác, miễn là họ không ra khỏi các khu vực được chỉ định trong sân bay. Những hạn chế này sẽ được áp dụng từ ngày 16/12 cho đến ngày 31/1/2022.

Trước đó, tối 14/12, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ký ban hành sắc lệnh yêu cầu tất cả du khách đến từ các nước khác trong EU bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính khi khởi hành. Đối với người chưa tiêm phòng, bên cạnh xét nghiệm âm tính vẫn cần cách ly 5 ngày. Người nhập cảnh từ các nước ngoài EU và chưa tiêm phòng cũng phải cách ly và những người đã tiêm thì cần trình xét nghiệm âm tính. Các biện pháp mới nói trên cũng có hiệu lực từ ngày 16/12/2021-31/1/2022.

Italy là nước EU đầu tiên ghi nhận bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020. Những tháng gần đây, nước này tìm cách kiểm soát dịch bằng việc sử dụng giấy thông hành y tế, trong đó thể hiện bằng chứng tiêm chủng, đã khỏi bệnh hoặc một xét nghiệm âm tính đối với mọi hoạt động từ đi làm đến đi ăn nhà hàng. Ngày 14/12, Italy ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới và 120 ca tử vong mới.

Cùng ngày, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố dữ liệu của một cuộc khảo sát nhanh cho thấy biến thể Delta chiếm hơn 99% số ca lây nhiễm trong ngày 6/12 tại nước này, trong khi biến thể Omicron mới chiếm 0,19% số ca nhiễm, cụ thể là 4 ca trong cùng ngày.

Trong một tuyên bố, ISS cho biết cuộc khảo sát nhanh đó bao gồm các ca lây nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trong ngày hôm đó, chứ không phải tất cả số ca được phát hiện cho đến thời điểm đó. Số liệu chính thức cho thấy số ca nhiễm biến thể Omicron tính đến ngày 15/12 tại Italy là 28 ca.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch ISS, ông Silvio Brusaferro nói: “Sự hiện diện của Omicron được dự báo sẽ lan rộng và các cuộc khảo sát trong tương lai sẽ cho phép chúng tôi ước tính tốc độ lây lan của nó”. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng Omicron dễ lây hơn do sự lây lan nhanh chóng của nó, mặc dù họ cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác về mức độ nghiêm trọng của biến thể này.

Dương Hoa (TTXVN)
 Australia: Mũi vaccine tăng cường giúp nâng cao hiệu quả chống biến thể Omicron
Australia: Mũi vaccine tăng cường giúp nâng cao hiệu quả chống biến thể Omicron

Mũi tăng cường vaccine COVID-19 có vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng miễn dịch chống lại các triệu chứng của biến thể Omicron và nhiều khả năng biến thể này sẽ trở thành biến thể chủ đạo tại Australia. Đây là cảnh báo của các nhà virus học thuộc Viện Kirby đưa ra ngày 15/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN