Thủ tướng nước này Giuseppe Conte tuyên bố Chính phủ Italy sẽ tăng hơn nữa các khoản chi tiêu để bù đắp cho nền kinh tế trước những tác động của dịch bệnh trên.
Theo Bộ Tài chính Italy, chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng gói các biện pháp trên được nhất trí ở cấp EU, cũng như cả cộng động thế giới.
Italy đã bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 hơn bất cứ quốc gia nào khác tại châu Âu với 7.375 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 366 ca tử vong. Trước đó một ngày, chính quyền nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với toàn bộ khu vực miền Bắc để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Cuối tuần qua, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết kế hoạch chi tiêu bổ sung để đối phó với sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy sẽ không bị tính vào việc tuân thủ các quy định về giới hạn ngân sách của EU.
Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri cho biết Rome sẽ chi khoảng 7,5 tỷ euro để giảm thiểu những tác động kinh tế tại quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất châu Âu do dịch COVID-19. Điều này sẽ làm thâm hụt ngân sách năm nay của Italy tăng từ mức 2,2% GDP hiện nay lên 2,5% GDP.
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis và Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni đều cho rằng mọi chi tiêu ngân sách một lần liên quan đến các gói biện pháp hỗ trợ việc ứng phó dịch COVID-19 tại đất nước Nam Âu này sẽ được loại trừ trong tính toán ngân sách, và không được tính đến khi đánh giá vào nỗ lực tuân thủ quy định về ngân sách của EU.
Các quy định hiện hành của EU cho phép các sai lệch tạm thời từ mục tiêu thâm hụt ngân sách của các nước thành viên trong trường hợp đặc biệt, như suy thoái kinh tế và các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng.
Cũng trong ngày 9/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết châu Âu cần đưa ra một kế hoạch kích thích kinh tế "quy mô lớn" để đối phó với tác động của COVID-19.
Phát biểu trên đài phát thanh France Inter, ông Le Maire cho biết số tiền cần phải có để thực hiện kế hoạch này sẽ được thảo luận tại cuộc họp giữa ông với những người đồng cấp châu Âu. Quan chức trên cũng cho rằng SARS-CoV-2 có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Pháp xuống mức dưới 1% vào năm 2020, so với con số 1,3% được dự báo trước đó.