Cụ thể, giới chức Italy cho biết hơn 600 người di cư trên một thuyền đánh cá có hành trình vượt biển Địa Trung Hải đã được lực lược bảo vệ bờ biển Calabria và một tàu chở hàng giải cứu ở mỏm phía Nam của nước này vào ngày 23/7. Những người này đã được đưa đến nhiều cảng biển ở Sicily và Calabria vào sáng hôm sau. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tìm thấy 5 thi thể người di cư đã thiệt mạng trước đó trên biển.
Tại đảo Lampedusa, khoảng 522 người di cư từ các nước như Afghanistan, Pakistan, Sudan, Ethiopia và Somalia đã đến đảo này vào tối 23/7 trên 15 thuyền khởi hành từ Tunisia và Libya. Trước đó, cùng trong ngày, chính quyền đảo cũng đã tiếp nhận 350 người di cư. Hãng thông tấn Ansa của Italy cho hay cơ sở hạ tầng tại Lampedusa đang quá tải khi phải tiếp nhận 1.200 người di cư trong khi sức chứa tối đa là 300 người.
Nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn đang thực hiện nhiệm vụ giải cứu người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải. Tổ chức SeaWatch cho biết đã tiến hành 4 đợi giải cứu người di cư vào ngày 23/7, trong đó tàu SeaWatch3 đã tìm thấy và cứu giúp hơn 420 người di cư. Trong khi đó, tàu OceanViking, do tổ chức SOS Mediterranean vận hành, đã giải cứu 87 người di cư, bao gồm cả trẻ nhỏ không có người thân đi cùng.
Thống kê của Bộ Nội vụ Italy cho biết, từ đầu năm đến ngày 22/7, nước này đã ghi nhận 34.000 người di cư đến đây, cao hơn so với mức 25.500 người của cùng kỳ năm ngoái và 10.900 của năm 2020.
Giới chuyên gia nhận định, các nước Địa Trung Hải nằm trên các tuyến đường di cư lớn vào châu Âu có thể sẽ ghi nhận hơn 150.000 lượt người di cư trong năm nay trong bối cảnh lương thực thiếu hụt do cuộc xung đột tại Ukraine đe dọa làm bùng phát một làn sóng di cư mới từ châu Âu và Trung Đông.