Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Elisabetta Trenta cho biết Rome sẽ đưa kế hoạch này ra thảo luận với các đối tác châu Âu tại một hội nghị không chính thức EU cấp bộ trưởng tại Vienna (Áo), trong đó Pháp và Tây Ban Nha dự kiến sẽ là những nước đầu tiên trong danh sách này.
Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng Elisabetta nói: "Tôi sẽ đề xuất sửa đổi những quy định liên quan chiến dịch quân sự Sophia của EU, được triển khai từ năm 2015 sau hàng loạt các vụ đắm tàu tại Địa Trung Hải, theo đó cho phép tất cả những người di cư được cứu nạn trên biển cập cảng Italy". Theo bà, quy định này là không thể chấp nhận được và cần phải được sửa đổi theo hướng áp đặt cơ chế luân phiên tiếp nhận người di cư đối với các cảng của các nước. Cơ chế đề xuất mới này nhằm đảm bảo rằng các nước thành viên khác trong EU cùng chia sẻ trách nhiệm, chứ không phải Italy là quốc gia duy nhất phải chịu gánh nặng này.
Theo đề xuất của Italy liên quan đến việc luân phiên các cảng tiếp nhận người di cư ở khu vực Địa Trung Hải, ngoài Pháp và Tây Ban Nha, Hy Lạp và Malta cũng phải chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người di cư được giải cứu trên biển vốn là căn nguyên đẩy châu Âu vào tình trạng chia rẽ sâu sắc hiện nay.
Cuối tháng 7 vừa qua, Rome tuyên bố nhất trí tiếp nhận những người di cư được cứu trên biển cho đến khi EU đưa ra được một chiến lược rộng hơn nhằm phân bổ số lượng người di cư một cách công bằng. Theo Ngoại trưởng Italy Enzo Moavero Milanesi, các đối tác EU sẽ tìm kiếm một giải pháp về chiến lược đối với vấn đề người di cư và trong thời gian này, Rome sẽ đảm bảo các tàu cứu hộ người di cư có thể cập cảng nước này. Tuy nhiên, ông cho rằng các nước EU cần "xem xét lại toàn bộ nguyên tắc hoạt động, tránh tình trạng tất cả người di cư được cứu chỉ đổ dồn lên một nước".
Hiện Italy và EU vẫn đang bế tắc trong việc giải quyết vụ khoảng 150 người di cư trên tàu Diciotti của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy ở đảo Sicily sau khi được tàu này giải cứu. Italy hiện không cho phép số người di cư này rời tàu, đồng thời yêu cầu các nước thành viên EU khác tiếp nhận họ. Tuy nhiên, cho tới nay, mới chỉ có Ireland và Albania - một nước không phải thành viên EU, cam kết tiếp nhận một phần.