Theo hãng tin Reuters (Anh), Italy là quốc gia phương Tây lớn nhất đã tham gia thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc - dự kiến xây dựng lại Con đường tơ lụa cũ để kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Il Messaggero, bà Meloni cho biết hiện còn quá sớm để dự đoán quyết định của Italy về việc có tiếp tục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo thỏa thuận được ký kết từ năm 2019, hay không. Italy đã vấp phải sự chỉ trích từ từ Washington và Brussels vì tham gia sáng kiến này của Bắc Kinh.
“Đánh giá của chúng tôi rất tế nhị và chạm đến nhiều mối quan tâm,” bà Meloni nói.
Theo đó, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 3/2024 và tự động được gia hạn, trừ khi một trong hai bên thông báo cho bên kia rằng họ sẽ rút lui. Thông báo phải đưa ra trước ít nhất ba tháng.
Trong cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 9, bà Meloni tuyên bố bà không ủng hộ việc Italy ký thỏa thuận vào năm 2019. Vị quan chức này nói rằng bà “không có ý chí chính trị để ủng hộ sự mở rộng của Trung Quốc sang Italy hoặc châu Âu”.
Bà Meloni nói rằng mặc dù Italy là quốc gia duy nhất trong số các thành viên của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ký bản ghi nhớ Vành đai và Con đường, nhưng đây không phải là quốc gia châu Âu và phương Tây có quan hệ kinh tế và thương mại mạnh nhất với Trung Quốc.
“Điều này có nghĩa là Italy vẫn có thể có quan hệ tốt, cả trong những lĩnh vực quan trọng với Bắc Kinh, mà không nhất thiết phải tham gia một kế hoạch chiến lược tổng thể”, bà Meloni lập luận.
Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của chính phủ cũng cho biết Italy rất khó có thể gia hạn thỏa thuận Vành đai và Con đường.
Phép thử đầu tiên về thái độ của chính phủ cánh hữu đối với Trung Quốc là khi Rome soi xét thoả thuận cổ đông của hãng lốp xe Pirelli, trong đó nhà đầu tư lớn nhất là tập đoàn Sinochem của Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của hầu hết các nước trong nhóm G7, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản và Đức.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết “giảm rủi ro” nhưng không “tách khỏi” Trung Quốc. Các quan chức và chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này phản ánh những lo ngại của châu Âu và Nhật Bản về việc đẩy Bắc Kinh quá mạnh.