Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về Yemen, ông Lowcock dẫn nghiên cứu của trường Đại học Denver, nêu rõ nếu chiến tranh kéo dài đến năm 2022, số người thiệt mạng tại Yemen sẽ cao gấp hai lần so với con số nạn nhân này nếu chiến tranh chấm dứt trong năm nay. Bên cạnh đó, khoảng 25% trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng và gần 40% không được tới trường. Nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ cần những hoạt động cứu trợ lớn hơn, thậm chí tốn kém hơn nhiều dành cho Yemen.
Với con số 4,2 tỷ USD, kế hoạch cứu trợ Yemen trong năm nay đã là nguồn chi viện trợ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ,, Tổng Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley dọa sẽ ngừng hoạt động chuyển hàng viện trợ tới các khu vực do phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen, cáo buộc rằng các nguồn phân phối cứu trợ nhân đạo đang bị "thao túng" và cơ quan LHQ bị cản trở trong hoạt động vận chuyển hàng viện trợ.
Theo WFP, cơ quan này không thể tiếp cận đầy đủ và tự do để thực hiện việc cứu trợ đối với người dân Yemen tại các khu vực do Houthi kiểm soát do lực lượng này chặn các đoàn xe cứu trợ của LHQ, nhân viên cứu trợ bị từ chối tiếp cận những người bị đói và việc phân phát thức ăn cho người dân bị chính quyền địa phương kiểm soát. Ông David Beasley cho biết thao túng giao hàng viện trợ cũng là vấn đề tại các khu vực do chính phủ Yemen kiểm soát.
Số liệu thống kê cho thấy tại Yemen hiện có khoảng 360.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Theo Phó Tổng thư ký LHQ Mark Lowcock, “nạn đói vẫnhiện hữu” tại quốc gia này cùng với việc tái bùng phát bệnh dịch tả làm khoảng 300.000 người tử vong trong năm nay.