Trích dẫn thông tin từ tờ Novaya Gazeta Europe, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, có trụ sở tại Mỹ ngày 26/9 cho biết, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đang tích cực tham gia vào các hoạt động chiến đấu tại tỉnh Kursk.
Sự tham gia của FSB vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp là điều bất thường vì FSB thường tập trung vào tình báo, phản gián và an ninh trong nước hơn là các hoạt động quân sự tiền tuyến. Việc triển khai các đơn vị Spetsnaz của FSB trong các kịch bản chiến tranh thông thường tại Kursk có khả năng chỉ ra sự thiếu hụt các nguồn lực quân sự thông thường.
Theo nguồn tin trên, một quân nhân Spetsnaz của FSB đã được xác định là đã tử trận khi chiến đấu trong khu vực vào tháng 8/2024, xác nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm FSB trong khu vực.
Novaya Gazeta Europe dẫn lời một sĩ quan FSB tuyên bố rằng các đơn vị Spetsnaz của FSB, bao gồm các thành phần của nhóm Alpha và Vympel, đã được giao nhiệm vụ "xác định và tiêu diệt các nhóm phá hoại và trinh sát của Ukraine ở Kursk".
Cũng viên sĩ quan này được cho là đã bày tỏ lo ngại về tính phù hợp của các đơn vị này đối với cuộc chiến hiện tại, lưu ý rằng họ "không phù hợp cho các trận chiến vũ trang kết hợp liên quan đến thiết bị hạng nặng chống lại lực lượng quân sự thông thường".
Trong khi đó, Moskva chưa đưa ra bình luận nào về thông tin đặc nhiệm Spetsnaz FSB chiến đấu tại Kursk.
Báo cáo từ Novaya Gazeta Europe nêu bật các vấn đề phối hợp tiềm ẩn giữa FSB và quân đội Nga. Một nguồn tin thân cận với các cơ quan đặc nhiệm của Nga nói với tờ báo này rằng "Trung tâm tác chiến đặc biệt của FSB không có 'mối liên hệ chung' với các đơn vị quân đội Nga và vẫn chưa có trụ sở chung để phối hợp các nhiệm vụ chiến đấu giữa FSB và quân đội Nga".
Tình trạng này được cho là do sự chồng chéo trong nhiệm vụ được giao giữa các lực lượng.
Trước đó, ISW đưa tin Tổng thống Putin đã giao cho FSB nhiệm vụ tiến hành một chiến dịch chống khủng bố tại các tỉnh Belgorod, Bryansk và Kursk vào ngày 9/8 sau khi quân đội Ukraine bắt đầu xâm nhập Kursk vào ngày 6/8. Tuy nhiên, sau đó ông đã giao các nhiệm vụ tương tự cho Bộ Quốc phòng Nga và Rosgvardia (Vệ binh quốc gia Nga).
Lực lượng đặc nhiệm Nga thường được gọi là "Spetsnaz", tên ghép từ hai từ tiếng Nga "spetsialnoye" (đặc biệt) và "naznacheniya" (nhiệm vụ), tức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Spetsnaz là lực lượng can thiệp được huấn luyện bài bản, tinh nhuệ nhất của quân đội và cơ quan tình báo Nga. Spetsnaz gồm năm đơn vị chủ chốt, gồm:
Spetsnaz Tổng cục Tình báo quân đội (GRU) ra đời năm 1950 được xem là tai mắt của Bộ Tổng tham mưu. Đơn vị này thực thi nhiệm vụ trên phạm vi quốc tế, đã từng hiện diện ở Tiệp Khắc cũ, Angola, Liban, Syria, Afghanistan...
Spetsnaz Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) với đội chống khủng bố Alpha ra đời năm 1974. Đơn vị này đã thực hiện nhiều chiến dịch nổi tiếng như phối hợp với Spetsnaz GRU trong chiến tranh Chechnya, năm 2002 phối hợp với đội Vympel tấn công nhà hát Dubrovka ở Moskva giải cứu con tin. Đây cũng là lực lượng được cho là đang hoạt động ở tỉnh Kursk.
Ngoài ra còn có các đơn vị Spetznaz đổ bộ đường không hoạt động sau phòng tuyến chuẩn bị địa bàn cho lính nhảy dù đổ bộ; Spetsnaz hải quân: Tên chính thức hiện nay là Đơn vị chiến đấu chống thiết bị và lực lượng xâm nhập dưới nước (PDSS) bảo vệ các cơ sở hải quân và tàu chiến đồng thời làm công tác phá hoại trong chiến tranh; Và Lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) ra đời năm 2009 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Lực lượng này quy tụ mọi đơn vị đặc nhiệm quân đội Nga.