Biển Chết trong những ngày nắng nóng như thiêu đốt.
Trước đó, vào năm 2019, tức 6 năm trước ngày ghi nhận lần này, chính trạm Sdom cũng từng ghi nhận nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Israel: 49,9 độ C, một con số gây sửng sốt. Ảnh chụp từ hiện trường cho thấy một đám cháy rừng đang bùng phát tại Israel, phản ánh phần nào hậu quả nghiêm trọng của tình trạng khí hậu khắc nghiệt đang ngày càng gia tăng.
Israel trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng với cảnh báo nhiệt độ lên tới 45 độ C tại sa mạc Arava và 42 độ C ở thung lũng Beit She’an. Một số khu vực có khả năng tăng thêm, đến 45 độ C vào cuối tuần này. Bộ Y tế Israel khuyến cáo người dân giảm hoạt động dưới nắng, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương chẳng hạn như người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính trong đợt năng nóng lần này.
Tháng 7/2025 nối tiếp xu hướng gia tăng các đợt nắng nóng, trong bối cảnh năm 2024 từng được ghi nhận là năm nóng kỷ lục tại Israel, với nhiệt độ trung bình mùa Hè cao hơn hẳn so với các năm trước.
Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng Israel đang nóng lên với tốc độ chưa từng có. Ông Mor Gilboa, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ môi trường Zalul của Israel, đánh giá: “Toàn bộ khu vực Trung Đông, bao gồm cả Israel, là một vùng cực kỳ nhạy cảm với khí hậu, đang trở nên khô hạn hơn với lượng mưa ít hơn và hạn hán kéo dài. Mỗi năm lại phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm trước".
Ông Amos Porat, Trưởng bộ phận dịch vụ khí hậu tại Cơ quan Khí tượng Israel, cũng nhận định: “Chúng ta đang ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Trong một hoặc hai thập kỷ tới, chúng ta có thể phải đối mặt trung bình với 5 đợt nắng nóng mỗi năm, mỗi đợt kéo dài đến 5 ngày”.
Còn theo ông Gilad Ostrovsky, Trưởng ban lâm nghiệp của Quỹ Quốc gia Do Thái Keren Kayemeth LeIsrael, rất khó để làm ngơ trước mối đe dọa rõ ràng do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khi Trung Đông đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Ông Ostrovsky nhấn mạnh: “Điều đó có nghĩa là mưa ít hơn, thời tiết nóng kéo dài, hạn hán, những điều kiện rất khắc nghiệt không chỉ đối với con người mà còn đối với cây cối và toàn bộ môi trường tự nhiên. Đây là một mối đe dọa thực sự và thường đi kèm với nhiều yếu tố bất định”. Ông nhấn mạnh rằng con người không thể biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, do đó cần phải suy nghĩ dài hạn và hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ các vùng đất hoang dã, không chỉ trong 77 năm tới mà còn cho cả tương lai lâu dài.