Người dân tránh nóng bên đài phun nước tại Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN
Theo cơ quan khí tượng II Meteo của Italy, nhiệt độ tại đảo Sicily trong tuần này có thể tăng vọt lên tới 45 độ C - mức cao nhất tại Italy kể từ năm 2024, gần tới mức kỷ lục 48,8 độ C trên toàn châu Âu, cũng từng được ghi nhận tại hòn đảo này vào năm 2021.
Các nhà khí tượng cảnh báo tình trạng nắng nóng và khô hạn có thể gây áp lực lên lưới điện do nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao, đồng thời làm gia tăng đáng kể nguy cơ cháy rừng tại các khu vực phía Nam.
Theo các cơ quan giám sát khí hậu khu vực, tháng 6 vừa qua đã là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn khu vực Tây Âu và tình trạng thời tiết cực đoan có thể sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 7.
Nhà chức trách Italy kêu gọi người dân bổ sung nước đầy đủ, hạn chế các hoạt động ngoài trời và tuân thủ hướng dẫn từ lực lượng ứng phó khẩn cấp trong đợt nắng nóng kéo dài này.
Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa ở Bắc Macedonia và Albania đang nỗ lực hết sức để ứng phó với các vụ cháy rừng lớn trong bối cảnh khu vực Balkan hứng chịu đợt nắng nóng mới.
Tại Bắc Macedonia, 7 đám cháy lớn đã bùng phát, nhiệt độ dự báo có thể lên tới 42 độ C vào ngày 22/7. Tại Albania, 5 vụ cháy vượt ngoài tầm kiểm soát khi nền nhiệt dao động từ 37 - 41 độ C. Ở Croatia, các lực lượng khẩn cấp và máy bay chuyên dụng đang tìm cách khống chế một đám cháy gần thị trấn du lịch Sibenik .
Serbia ban bố cảnh báo nắng nóng với mức nhiệt khoảng 38 độ C. Nước này hiện cũng đang đối mặt với một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từng ghi nhận. Khu vực phía Bắc Bosnia cũng dự kiến đạt mức 40 độ C.