Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 20/11, Israel đang chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự của mình sang miền Nam Gaza, nơi nước này có thể sẽ phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến vốn đã kéo dài 6 tuần, khi họ tìm cách tiêu diệt Hamas và giải cứu các con tin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.
Lực lượng Israel phần lớn đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát phía Bắc Gaza. Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích cấp cao của Israel cho biết, họ chỉ phá hủy một phần khả năng quân sự của Hamas và chưa bắt giữ hoặc tiêu diệt nhiều chỉ huy hàng đầu của tổ chức này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã báo hiệu sự chuyển hướng về phía Nam trong những ngày gần đây, cho thấy rằng nhiều tay súng Hamas đã rút về hướng đó khi IDF tiến vào và một số lãnh đạo Hamas đang trú ẩn trong các thị trấn đông dân cư hoặc trong các đường hầm dưới lòng đất, nơi đã chứng kiến ít cuộc không kích hơn và ít giao tranh hơn so với thành phố Gaza ở phía Bắc.
Hamas gần như chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn ở phía Nam, nơi họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết chiến. Các con tin là đòn bẩy tốt nhất mà Hamas tận dụng sau sự chuyển dịch của Israel về phía Nam, khi nhóm Hồi giáo Palestine tìm cách ngừng giao tranh, ít nhất là tạm thời, theo các cựu sĩ quan quân sự Israel.
Nhiều quan chức và chỉ huy Israel cho biết kế hoạch tấn công Hamas của IDF ở phía Nam có thể giống với kế hoạch tấn công của nước này ở phía Bắc, nhưng sẽ phức tạp do số lượng lớn dân thường hiện đang tập trung tại khu vực.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục tiến về phía trước. Điều này sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào Hamas có mặt và cũng diễn ra ở phía Nam Dải Gaza”, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn của quân đội Israel, tuyên bố.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đang hối thúc Israel trì hoãn các hoạt động tăng cường ở phía Nam cho đến khi nước này tìm ra kế hoạch bảo vệ thường dân đã di tản với số lượng lớn ở đó để thoát khỏi cuộc giao tranh ở phía Bắc.
Jonathan Finer, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết hôm 19/11: “Chúng tôi nghĩ rằng các hoạt động của họ (IDF) không nên tiếp tục cho đến khi những thường dân di tản đến đó được tính đến trong kế hoạch quân sự của họ. Chúng tôi đã và sẽ truyền đạt điều đó trực tiếp đến họ”.
Ông Finer nói thêm rằng Israel nên thu hẹp “khu vực chiến đấu”, làm rõ nơi dân thường có thể tìm nơi ẩn náu khỏi cuộc giao tranh ở phía Nam.
Tuy nhiên, các quan chức Israel cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công vào phía Nam và trung tâm Dải Gaza để đạt được mục tiêu của chính phủ nước này là loại bỏ Hamas khỏi quyền lực nhằm đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới ngày 7/10.
Gần như toàn bộ trong số khoảng 2 triệu người sống ở Gaza hiện đang tập trung tại các trường học, trại tị nạn ở phía Nam của Gaza. Kể từ khi Israel áp đặt lệnh bao vây toàn diện vùng lãnh thổ này vào tháng 10, người dân Palestine ngày càng tuyệt vọng, với nguồn cung cấp thực phẩm ngày càng cạn kiệt, thiếu nước sạch , không có điện và nước thải tràn ra đường phố. Theo các cơ quan y tế ở Gaza do Hamas điều hành, thương vong ngày càng tăng của người Palestine, với hơn 12.000 người chết, sẽ chỉ làm tăng áp lực quốc tế yêu cầu ngừng giao tranh.
Một trong những mục tiêu của Israel ở phía Nam sẽ là phong tỏa biên giới với Ai Cập, bao gồm cả các đường hầm bên dưới biên giới, ngăn chặn Hamas nhận thêm vũ khí nhằm kéo dài cuộc chiến và ngăn các chỉ huy của họ trốn khỏi Gaza nếu cuộc chiến của nhóm tiếp tục diễn ra yếu kém, các nhà phân tích và quan chức an ninh Israel cho biết.
Miri Eisin, cựu Phó chỉ huy một đơn vị tình báo của quân đội Israel nói: “Các lãnh đạo chính của Hamas chưa bao giờ ở phía Bắc. Phần lớn họ ở miền trung và phía Nam Gaza”. Các mục tiêu hàng đầu của Israel là Yahya Sinwar , lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas ở Gaza, và Mohammed Deif, chỉ huy quân sự của Hamas, người mà Israel cáo buộc đã điều phối các cuộc tấn công ngày 7/10.
Về phần mình, Trung tá Richard Hecht, một phát ngôn viên khác của quân đội Israel, nhấn mạnh những vấn đề chiến thuật khó khăn mà các chỉ huy của họ phải đối mặt khi cân nhắc các bước tiếp theo ở phía Nam.
Trong khi đó, John Spencer, một sĩ quan qân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là Chủ tịch nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Học viện Quân sự Mỹ, nhận định: “Một số thách thức vẫn không thay đổi ở phía Nam. Nhưng một trong những điểm khác biệt là Israel đã di tản dân thường tới đó, vì vậy họ phải đối mặt với tình huống thậm chí còn khó khăn hơn khi tách biệt dân thường với những tay súng của Hamas”.