Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một quan chức cấp cao của Bộ Dầu mỏ Iraq cho hay thỏa thuận trên sẽ được kích hoạt trong vài ngày tới. Năm 2021, Iraq đã ký một thỏa thuận với TotalEnergies để phát triển các dự án dầu khí và năng lượng tái tạo trị giá 27 tỷ USD tại quốc gia Trung Đông này. Dự án bao gồm xây dựng mạng lưới khí tự nhiên để cung cấp cho các nhà máy điện địa phương thông qua việc mở rộng mỏ Ratawi, xây dựng cơ sở xử lý nước biển quy mô lớn và một nhà máy điện Mặt Trời tại vùng Basra. TotalEnergies sẽ phụ trách giai đoạn đầu của dự án xử lý nước biển trị giá 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Iraq được cho là muốn nắm giữ 40% cổ phần, cao hơn nhiều so với mức 25%-30% cổ phần do TotalEnergies đề xuất.
Tháng 2 vừa qua, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này muốn đạt được thỏa thuận với TotalEnergies, trong bối cảnh có thông tin tập đoàn này dự định rút khỏi Iraq.
Theo hãng tin Reuters, tối 4/4, nội các Iraq thông báo đã phê duyệt tỷ lệ cổ phần 30% "do tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề này và xúc tiến ký kết các thỏa thuận liên quan".
Iraq là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với lượng dầu thô xuất khẩu đạt trung bình 3,3 triệu thùng dầu/ngày. Sản lượng dầu ở Khu vực bán tự trị người Kurd cũng đạt trên 450.000 thùng/ngày. Xuất khẩu dầu chiếm khoảng 90% nguồn thu của Chính phủ Iraq. Ngày 4/4, Chính phủ Iraq và Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) đã ký một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ từ miền Bắc nước này.
Theo số liệu chính thức, doanh thu từ dầu mỏ của Iraq đã đạt trên 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, nhờ giá dầu và khí đốt tăng cao. Ngày 2/4 vừa qua, Bộ Dầu mỏ Iraq thông báo nước này tự nguyện cắt giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày nhằm đối phó với những thách thức mà thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải đối mặt, cũng như đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường.