Người Kurd bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo nguồn tin trên, Quốc hội đã yêu cầu Thủ tướng Haider al-Abadi, người đang đảm nhận vị trí Tổng Tư lệnh các lực lượng Iraq, tái triển khai các lực lượng an ninh tại những khu vực tranh chấp bên ngoài khu vực người Kurd. Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ liên bang giành lại quyền kiểm soát những mỏ dầu tại các khu vực tranh chấp dưới sự giám sát của Bộ Dầu mỏ liên bang.
Trong số những biện pháp khác, Quốc hội cũng bỏ phiếu về việc chặn tất cả những vị trí băng qua biên giới theo mọi hướng, bao gồm giữa khu vực này và phần còn lại của Iraq song kênh truyền hình nói trên không công bố chi tiết về cách thức chặn những vị trí giao với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Quốc hội Iraq cũng bỏ phiếu ủng hộ một đề xuất gửi tới Bộ Ngoại giao nhằm yêu cầu các quốc gia trên thế giới có lãnh sự quán tại khu vực người Kurd đóng cửa các cơ quan này.
Cùng ngày 25/9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã yêu cầu lực lượng an ninh “bảo vệ những dân thường đang bị đe dọa và áp bức” tại khu vực tự trị của người Kurd, nơi đang diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập. Trong một tuyên bố của văn phòng Thủ tướng, ông al-Abadi gọi cuộc trưng cầu ý dân nói trên là hành động vi phạm hiến pháp, đồng thời yêu cầu chính quyền người Kurd hủy bỏ cuộc trưng cầu.
Trong một động thái liên quan, ngày 25/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ đóng cửa biên giới với khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, đồng thời đe dọa sẽ cắt đứt các tuyến xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ở khu vực này.
Trong một bài phát biểu, Tổng thống Erdogan gọi cuộc trưng cầu ý dân kể trên là hành động "bất hợp pháp" và tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng cửa khẩu biên giới Habur tại khu vực nói trên. Theo ông, hiện cửa khẩu chỉ mở từ phía Iraq sang, tuy nhiên trong tuần này cửa khẩu này sẽ đóng cả hai phía.
Tổng thống Erdogan cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể cắt đứt các tuyến xuất khẩu dầu mỏ từ miền Bắc Iraq ra thế giới bên ngoài. Đây là tuyến đường kinh tế huyết mạch của khu vực này với hàng trăm nghìn thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày. Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại tiến hành biện pháp quân sự tại Iraq như tại Syria.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp" trong khuôn khổ luật quốc tế nếu như cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của người Kurd tại Iraq đe dọa tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara không công nhận cuộc trưng cầu ý dân của người Kurd và coi kết quả cuộc bỏ phiếu này là không có giá trị.
Cuộc trưng cầu ý dân của chính quyền người Kurd tại miền Bắc Iraq về nền độc lập diễn ra ngày 25/9 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương Baghdad và các nước láng giềng như Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày 25/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng đã thảo luận về cuộc trưng cầu trên và cùng nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Cũng trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về tiến trình Astana liên quan đến Syria và nhất trí thảo luận dài hơn về các diễn biến trong khu vực trong cuộc gặp ngày 28/9 tới tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.