Ông Abdollahian nhấn mạnh lập trường kiên định của Iran trong các cuộc đàm phán bền vững và mang tính xây dựng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bày tỏ mong muốn các bên phương Tây tôn trọng nghĩa vụ của họ trong các cuộc đàm phán hạt nhân và thể hiện cam kết đầy đủ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Về phần mình, ông Borrell khẳng định "việc đưa các cuộc đàm phán hạt nhân đi đến hồi kết" vẫn là ưu tiên hàng đầu của EU. Quan chức EU đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì đàm phán về vấn đề này và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Cũng trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza. Ngoại trưởng Iran bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo tồi tệ ở Dải Gaza, kêu gọi hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức cho vùng lãnh thổ đang bị phong tỏa này. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU bày tỏ phản đối các hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nhấn mạnh ảnh hưởng của lệnh phong tỏa của Israel đối với dân thường ở Gaza, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải duy trì các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran, khiến Tehran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận này bắt đầu được tiến hành vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song đã đình trệ kể từ khi kết thúc vòng đàm phán gần đây nhất vào tháng 8/2022.