Các tay súng thuộc lực lượng chống đối lên xe buýt rời khỏi quận al-Waer, thành phố Homs, miền trung Syria ngày 21/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, ông Qassemi thông báo: "Nếu các điều kiện cần thiết cho phép, Iran, Nga và Thổ Nhĩ sẽ điều quân tới giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria. Trong trường hợp các bên nhất trí, chúng tôi sẵn sàng làm việc này".
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Qassemi cũng giống như những tuyên bố trước đó vài ngày của ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran đồng thời là điều phối viên cao cấp về Syria. Trả lời phỏng vấn báo "Kommersant" của Nga, ông Shamkhani nhấn mạnh: "Nếu Iran được yêu cầu có thêm các hành động tại Syria, như điều quân để duy trì trật tự và đảm bảo an ninh tại các vùng giả căng thẳng ở quốc gia Trung Đông này, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc vấn đề này".
Trước đó ngày 4/5, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận trong khuôn khổ vòng hòa đàm thứ tư tại Astana (Kazakhstan) nhằm thiết lập "bốn vùng giảm căng thẳng" ở Syria.
Thỏa thuận được coi là thành tựu nổi bật nhất của nỗ lực ngoại giao ba bên kể từ đầu năm 2017 nhằm giảm đổ máu trong cuộc chiến tranh vốn đã bước sang năm thứ bảy ở Syria. Nga và Iran ủng hộ chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuận một số nhóm vũ trang đối lập muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura đã ca ngợi thỏa thuận giảm căng thẳng do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ, coi đây là bước đi đúng hướng quan trọng, đầy hứa hẹn và tích cực.
Thỏa thuận, có hiệu lực từ ngày 6/5 và trước mắt sẽ kéo dài 6 tháng, kêu gọi các bên tạm ngừng giao tranh, kể cả các cuộc không kích của quân chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại và xung quanh bốn khu vực chủ chốt hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập.
Tuy nhiên, thỏa thuận không áp dụng đối với các nhóm chiến binh có liên hệ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc Mặt trận Al Nusra có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda, vì các nhóm khủng bố đều nằm ngoài khuôn khổ vòng hòa đàm Astana.
Các vùng giảm căng thẳng ở Syria bao gồm tỉnh Idlib ở miền Bắc, tỉnh Homs ở miền Trung, khu vực Đông Ghouta ngoại ô thủ đô Damascus, và khu vực miền Nam Syria giáp biên giới Jordan. Cả chính phủ Syria và các nhóm đối lập đều không tham gia ký kết thỏa thuận giảm căng thẳng, mặc dù chính phủ Syria lên tiếng ủng hộ thỏa thuận này.
Trong khi đó, các nhóm đối lập tuyên bố bác bỏ thỏa thuận, cho rằng nó có quá nhiều lỗ hổng, cho phép quân đội Syria tiếp tục ném bom vào các khu vực dân sự. Trong khi Mỹ rất hoan nghênh sáng kiến về các vùng giảm căng thẳng, song hiện vẫn chưa rõ liệu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ giám sát việc tuân thủ thỏa thuận như thế nào.