Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc họp nội các tại thủ đô Tehran của Iran, Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết nước này đã gửi phản hồi "toàn diện và bằng văn bản" tới IAEA về vấn đề liên quan đến 2 địa điểm tại Iran mà cơ quan này cho rằng vẫn “chưa được khai báo” và phát hiện "dấu vết của uranium".
Chủ tịch Eslami cũng lưu ý trong trường hợp IAEA không chấp nhận phản hồi từ nước này và có bất kỳ sự nghi ngờ nào, Iran sẽ cung cấp thêm sự các văn bản giải thích. Bên cạnh đó, người đứng đầu AEOI cho biết cơ quan này đang làm giàu uranium theo mức quy định trong luật được Quốc hội nước này thông qua năm 2020 để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo ông Eslami, mối quan hệ giữa Iran với IAEA dựa trên thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi tới Tehran vào tháng 3 vừa qua cũng như các quy định về đảm bảo an toàn trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này cam kết thực hiện. Đồng thời, ông Eslami cũng nhấn mạnh tới việc Iran và IAEA đang duy trì kênh liên lạc “liên tục và tin tưởng” lẫn nhau.
Vào năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) đã đạt được thỏa thuận với tên gọi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Theo đó, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017 đã phản đối và rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Sau khi IAEA thông qua nghị quyết chống lại Iran vào tháng 11 năm ngoái, Tehran đã tuyên bố tăng độ tinh khiết làm giàu uranium lên 60%. Mức này tuy thấp hơn mức 90% cần để sản xuất vũ khí, song lại cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% mà nước này đã cam kết trong JCPOA.
Các cuộc đàm phán về hồi sinh của JCPOA bắt đầu vào tháng 4/2021, song đến nay vẫn chưa đạt đột phá. Chủ tịch Eslami cho biết Iran cam kết tuân thủ JCPOA nhưng không muốn thực hiện một cách đơn phương, yêu cầu Mỹ phải thực hiện các cam kết của mình trong thỏa thuận này. Ông khẳng định rõ việc giảm tốc chương trình làm giàu uranium của nước này tùy thuộc vào các đề xuất của Mỹ nhằm khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân vốn đang bị đình trệ.