Theo ông Chegeni, nếu hai nước nối lại các giao dịch theo cơ chế rupee-rial, kim ngạch thương mại hai chiều có thể chạm mốc 30 tỷ USD. Báo The Economic Times ngày 19/3 dẫn lời ông Chegeni nói: "Iran sẵn sàng đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng của Ấn Độ bằng cách khởi động thương mại dựa trên cơ chế rupee-rial để phục vụ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Cơ chế này có thể giúp các công ty của hai nước giao dịch trực tiếp với nhau và không phải chịu phí trung gian của bên thứ ba".
Vị đại sứ cho biết thêm, Tehran cũng sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với New Delhi để khôi phục và tìm kiếm các tuyến đường thay thế cho dự án đường ống Iran-Pakistan-Ấn Độ đang bị đình trệ để vận chuyển khí tự nhiên đến Ấn Độ.
Iran từng là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ nhưng New Delhi đã phải ngừng nhập khẩu sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của nước này.
New Delhi và Tehran từng có một cơ chế giống như đổi hàng để thanh toán thương mại, trong đó các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ thanh toán bằng đồng rupee cho một ngân hàng của Iran và số tiền đó được Tehran sử dụng để thanh toán hàng nhập khẩu từ Ấn Độ. Điều này đã đưa Iran vượt qua Saudi Arabia trở thành thị trường cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, thương mại Ấn Độ-Iran đã giảm mạnh từ 17 tỷ USD trong tài khóa 2019 xuống còn dưới 2 tỷ USD trong giai đoạn 10 tháng từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022 của tài khóa hiện tại.