Iran phản đối Mỹ tái áp đặt trừng phạt và gây sức ép

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng Tổng thống Donald Trump đã "phá hỏng" uy tín của Mỹ và cuối cùng sẽ bị thua cuộc khi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo.

Chú thích ảnh
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Tehran ngày 21/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên trang mạng Twitter, Đại giáo chủ Khamenei chỉ trích việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/11 tới. Theo ông, mục đích của việc Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt này là nhằm gây tê liệt và kéo lùi nền kinh tế của Iran. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ càng tạo động lực giúp Iran hướng tới độc lập.

Bên cạnh đó, Đại giáo chủ Iran cũng cho rằng Mỹ đã thất bại trong cuộc đối đầu với Iran trong suốt 4 thập niên qua. Ông nêu rõ trong 40 năm qua Washington đã áp đặt nhiều biện pháp chống lại Tehran trong đó có việc sử dụng quân đội, kinh tế nhằm thách thức sự độc lập của Iran, song rốt cuộc, Mỹ đã thất bại.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, và những người đồng cấp Đức, Thụy Điển, Đan Mạch nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu trong bối cảnh Mỹ dự định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Theo IRNA, bà Mogherini và các ngoại trưởng châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết mà các bộ trưởng tài chính đưa ra đối với cơ chế tài chính của châu lục nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga cùng với Đức) năm 2015, đồng thời cho biết cơ chế này sẽ có hiệu lực trong những ngày tới.

Tuyên bố của các quan chức trên cũng khẳng định quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu có trao đổi thương mại hợp pháp với Iran, phù hợp với pháp luật châu Âu và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5 vừa qua thông báo rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, khiến EU khó khăn trong việc bảo vệ các công ty đang làm ăn với Iran. Vì vậy, cần bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran để đảm bảo an ninh cho châu Âu, khu vực cũng như toàn thế giới.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ ngày 5/11, Washington sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ trên đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng cũng sẽ được áp đặt trở lại từ ngày 5/11. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xác nhận Mỹ đã chấp thuận để 8 nước tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Vùng Vịnh này chính thức có hiệu lực từ thời điểm trên. Tuy không nêu chi tiết tên từng quốc gia cụ thể, nhưng ông Pompeo khẳng định EU gồm 28 thành viên sẽ không nằm trong danh sách được miễn trừ này.

Ngọc Hà (TTXVN)
Nga chỉ trích Mỹ phá hoại nỗ lực của các bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran
Nga chỉ trích Mỹ phá hoại nỗ lực của các bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/11 ra tuyên bố nêu rõ các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ nhằm vào Tehran, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, đang phá hoại nỗ lực của các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran và cũng là một đòn giáng mạnh vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN